Vận mạng đương nhiên là có, do nghiệp đời trước đã tạo mà cảm ra được quả báo. Nếu như trong đời này không có đại thiện đại ác, thì đại khái vận mạng của cả đời đích thực là như định số đang lưu chuyển, thông thường người ta gọi là định mạng luận, ngạn ngữ gọi là “nhất sanh giai thị mạng, bán điểm bất do nhân”. Đây chính là không có đại thiện đại ác. Nếu bạn phát tâm hành thiện, thì việc thiện trong định mạng của bạn sẽ thêm lớn. Nếu như bạn tạo ác, thì phước báo đời trước mà bạn đã tạo sẽ bị giảm đi, cho nên ngày ngày đều có gia giảm thừa dư.
Chúng ta khởi tâm động niệm lời nói việc làm, mỗi ngày đều có gia giảm thừa dư. Mức độ gia giảm thừa dư không lớn, cho nên vận mạng vẫn sẽ bị người khác tính ra được rất chính xác. Vận mạng cá nhân như vậy, vận mạng gia đình, đoàn thể cũng là như vậy, thậm chí đến quốc gia, thế giới cũng không ngoại lệ. Bạn xem, trên thế giới có rất nhiều nhà dự ngôn nói về kiết hung họa phước của thế giới. Đây là nói cái lớn, nó đều có một định số. Không phải Phật Bồ Tát định, cũng không phải thần minh định. Ai định vậy? Vận mạng cá nhân là chính mình tạo tác; gia vận là tạo tác của người cả nhà, là cộng nghiệp của người cả nhà; quốc vận là cộng nghiệp của người cả một nước; thế vận là cộng nghiệp của tất cả người ở thế gian. Xem bạn tạo tác cái gì thì liền biết được có quả báo như thế nào. Nhân thiện nhất định được quả thiện, nhân ác nhất định cảm ác báo, đây là chân lý.
Chư Phật Bồ Tát xuất hiện ở thế gian thuần thiện vô ác, vẫn không rời khỏi chân lý của nhân quả. Kinh Pháp Hoa nói: “Nhất thừa nhân quả”, kinh Hoa Nghiêm nói: “Ngũ châu nhân quả”. Tất cả đều không rời khỏi định luật của nhân quả. Cho nên, Phật pháp mới nói “vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Nhân quả vì sao bất không? Nhân quả chuyển biến bất không, nhân biến thành quả, quả lại biến thành nhân; nhân quả vĩnh viễn đang tuần hoàn, vĩnh viễn đang luân chuyển, đây gọi là nhân quả bất không. Những nghiệp nhân quả báo, kiết hung, họa phước vĩnh viễn đang tuần hoàn, tiếp nối bất không. Đây là đại đạo lý, là chân tướng sự thật.
(Trích: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên giảng giải, tập 6)