Người hiện tại nói đến công đức, thực ra đều hữu danh vô thực. Có cái tên của công đức, tu tên của công đức, nhưng không tu công đức thật. Khi trong lòng không vui, thì công đức hết. Phải biết thế gian yêu ma quỷ quái rất nhiều. Chúng chỉ sợ bạn tích công bồi đức nên thị hiện vô số cảnh giới, vô số nhân duyên, nhằm phá hoại công đức của bạn. Thế nhưng bản thân họ không có năng lực phá hoại công đức của bạn, thậm chí bất cứ người nào cũng đều không có cách gì phá hoại công đức của bạn được, chỉ có chính mình phá hoại chính mình.
Họ thúc đẩy bạn, khiến bạn khởi tức giận, khởi tâm sân hận. Nếu bạn nghe lời, quả nhiên khởi tức giận, khởi tâm sân hận thì coi như bạn đem công đức của mình thiêu hết sạch. Ma ở nơi đó liền vỗ tay vui mừng. Chúng ta hiểu rõ đạo lý thì nhất định phải đề cao cảnh giác. Tất cả thuận cảnh không sanh tâm hoan hỷ, nghịch cảnh không khởi tâm sân hận, thì công đức của bạn mới có thể giữ được. Phía trước hàng ma, Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện cho chúng ta xem: “dĩ định huệ lực, hàng phục ma oán”. Nếu bạn không có định, không có huệ, thì công đức của bạn không thể giữ được. ở trong cảnh giới thường hay khởi tâm động niệm, tâm tùy theo cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, đó là tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi, tương lai chịu báo luân hồi. Cho nên chúng ta trong cuộc sống thường ngày phải rèn luyện. Rèn luyện chính là tu hành.
Ngày trước sáu căn chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, dễ bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển. Xem thấy ưa thích, chúng ta khởi lên tâm hoan hỷ, xem thấy không ưa thích chúng ta khởi tâm ghét bỏ, vậy là sai, phải tu sửa lại. Tu sửa thế nào? Thuận cảnh không sanh tâm hoan hỷ, nghịch cảnh không sanh tâm ảo não, đó gọi là tu hành. Tu hành không phải mỗi ngày tụng Kinh, niệm Phật, lạy Phật, tất cả chỉ là hình thức. Tu hành phải chân thật hữu dụng, phải dùng được ngay trong đời sống, đối diện với tất cả mọi người, mọi vật, mọi việc thật khởi lên tác dụng, không còn bị cảnh giới này xoay chuyển, mới gọi là có công phu. Bạn ở niệm Phật đường niệm Phật mỗi ngày mười vạn danh hiệu Phật. Khi đối diện với cảnh giới, tâm còn bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, vậy thì như người xưa nói:“đau mồm rát họng chỉ uổng công”, bạn không có công phu, hoặc công phu của bạn là giả, không phải thật.
Trích : Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác.
Chủ Giảng : HT Thượng Tịnh Hạ Không.