Từ Bổn Mậu đã biết tu trì, sao lại không thể ăn chay trường? Ấy là vì nghĩ thịt ăn ngon lành, chẳng nỡ lòng bỏ vậy! Thử nghĩ tình trạng khổ sở, đau đớn của hết thảy những loài sinh vật khi chúng bị giết, há nỡ lòng nào vì sướng miệng mà ăn chúng hay sao? Nếu như chính thân ta lâm vào cảnh ấy, há có thể yên tâm muốn người ta giết mình để trám đầy bụng miệng họ hay chăng? Đối với đủ mọi thứ tâm hạnh tham ăn tàn nhẫn, chỉ một lời đã bao quát trọn: “Chẳng suy nghĩ!” Nếu suy nghĩ cặn kẽ, sẽ trọn chẳng dám ăn!
Oán nghiệp phải do chính mình giải quyết, ông vẫn cứ muốn ăn thịt bọn chúng thì tất cả những nỗi khổ trước khi chưa chết đều chẳng đáng gọi là khổ! Đời này ăn thịt bọn chúng, tương lai ắt sẽ có ngày bị chúng ăn lại, đấy thật đáng gọi là “oán nghiệp khó kết thúc”. Lời ông ta nói tựa hồ có cơ duyên tỉnh ngộ, nhưng vẫn còn muốn ăn thịt thì cái ngộ ấy chỉ là nói xuông. Nói xuông sẽ chẳng có ích lợi mảy may nào đâu! Ví như kể chuyện ăn có cứu được cái đói của ông hay chăng? Không phải là Quang ép người khác ăn chay, chỉ vì điều ông ta mong mỏi và việc ông ta làm hai đằng chẳng phù hợp nên mới tha thiết bảo ban đấy thôi!
Chị và em gái ông đều đã ăn chay trường niệm Phật, tôi nghĩ chắc là do đọc Văn Sao mà ra. Nay sẽ đặt pháp danh cho mỗi người, chị ông là Vân Khanh pháp danh là Huệ Vân, em gái ông là Hạnh Mai pháp danh là Huệ Hạnh. Nếu có thể dùng mây trí huệ để tuôn trận mưa trí huệ thấm nhuần khắp mầm đạo Bồ Đề và nương theo trí huệ để làm chuyện thuộc về bổn phận thế gian lẫn xuất thế gian (chuyện thế gian chính là hiếu, đễ v.v… chuyện xuất thế gian chính là từ thiện, tịnh nghiệp) thì chính là Huệ Hạnh. Nếu có huệ mà không có hạnh thì chẳng gọi là chân huệ. Có hạnh mà không có huệ thì sẽ đâm ra bị đọa lạc. Đấy là ý nghĩa chánh yếu của cái tên đã đặt vậy.
Còn đối với chuyện giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, giúp chồng dạy con v.v… hãy nên dựa theo những điều đã nói trong Văn Sao để thuật cặn kẽ với bọn họ khiến cho hai người ấy sẽ do đây mà tiến nhập giác đạo thắng diệu của Như Lai thì sống sẽ là bậc thầy khuôn mẫu cho nữ giới, làm bậc mẫu nghi trong chốn khuê các, lúc mất sẽ giã biệt cõi Sa Bà đầy các nỗi khổ để lên cõi Phật thanh tịnh, chẳng uổng cuộc sống này, chẳng phí dịp gặp gỡ này. Xin hãy nói cặn kẽ với họ về ý này thì may mắn lắm thay. Đợi khi Gia Ngôn Lục in ra, sẽ gởi cho mỗi người một cuốn để họ tiện thọ trì.
(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 03, thư thứ nhất trả lời cư sĩ Chương Đạo Sanh.)