Cổ nhân có câu ngạn ngữ nói rằng, học tập không được tham nhiều, tham nhiều nhai không nhuyễn, nuốt không trôi, không nếm được pháp vị chân thật. Vừa bắt đầu đã muốn quảng học đa văn, họ không nếm được pháp vị, học bao nhiêu năm vẫn phiền não trùng trùng. Theo lý mà nói, tu học đúng theo Phật pháp, hoặc tu học trong giáo lý thánh hiền, Nho giáo hay Đạo giáo cũng không ngoại lệ.
Thời gian tu học càng lâu thì tâm địa càng thanh tịnh, phiền não càng nhẹ trí tuệ càng tăng trưởng. Như vậy nghĩa là tu đúng phương pháp, đi đúng đường. Nếu tu hành nhiều năm, phiền não chưa đoạn, thậm chí phiền não ngày càng nặng. Như vậy cần phải kiểm điểm lại, chắc mình đi sai đường, lập tức quay đầu. Vì sao vậy? Vì không quay đầu là lãng phí thời gian. Lãng phí tinh lực còn có thể bù đắp, lãng phí thời gian thì không sao tìm lại được, điều này không thể không trân quý, tuyệt đối không được lãng phí thời quang của mình. Nếu muốn nắm chắc trong thời gian ngắn ngủi, mà có thành tựu vô cùng thù thắng, thời gian này thông thường phải mười năm – “mười năm đèn sách, nhất cử thành danh”, nếu không kiên nhẫn làm sao thành tựu được. Người không thành tựu càng không có lòng kiên nhẫn, vì sao vậy? Vì tâm mông lung.
Bây giờ chúng ta xem trong lớp học ở trường, quý vị thấy sự chú tâm của học sinh, thời gian tập trung tinh thần rất ngắn, chỉ khoảng mười mấy phút. Mười mấy phút sau, quý vị thấy họ bắt đầu nói chuyện thì thầm, tâm tán loạn, như vậy thì tiếp thu được gì?
Trước đây, khi chúng tôi đang cầu học, lúc thầy Lý Bỉnh Nam dạy Lễ Ký cho chúng tôi, thầy nói đến Trịnh Huyền trong phần chú giải về trong Lễ Ký. Ông ta là một nhà nho lớn thời nhà Hán, tự là Khang Thành. Thời trẻ khi Trịnh Khang Thành đi cầu học, thầy ông là Mã Dung, cũng là đại nho thời nhà Hán, trong Hán Thư đều có truyện ký của họ. Mã Dung dạy học, ông có một thị hiếu là thích nghe âm nhạc trong lúc dạy. Chức quan của ông ta rất lớn, tương đương với bộ trưởng bây giờ, vì thế trong nhà ông có sẵn một ban nhạc, có thể biểu diễn ca múa, ông nuôi một ban nhạc trong nhà. Khi ông dạy học, trong giảng đường kéo một tấm rèm, vải rèm, kéo tấm rèm, sau bức rèm đó có mấy cô gái đang đàn cầm tấu nhạc. Ông ta dạy học cũng cần có âm nhạc làm nhạc đệm, lớp học của ông ta là như thế. Ông ta có rất nhiều học trò, không có học sinh nào không muốn đến hậu trường xem những cô gái đó. Chỉ có một học trò tên Trịnh Khang Thành, chính là Trịnh Huyền, theo Mã Dung học được ba năm, xưa nay chưa liếc vào sau tấm rèm đó dù chỉ một lần, rất chuyên chú. Trong lòng Mã Dung có sẵn dự định, Mã Dung biết rằng sở học một đời của ông, trong vòng ba năm Trịnh Khang Thành đã lãnh hội hết. Ông biết người học trò này tương lai nhất định hơn mình, ông khởi tâm đố kỵ. Trịnh Khang Thành quả thật vượt qua ông ta.
Bởi vậy khi học tập, quý vị thấy, người thầy nhận ra học trò nào tương lai có thành tựu, học trò nào không có thành tựu. Từ đâu để nhận ra điều này? Người chuyên chú có thành tựu, người tâm luôn lơ là không có thành tựu. Chúng ta thử nghĩ xem tuổi trẻ bây giờ, ở đây học tập kinh giáo, hoặc là học trong trường, có mấy người dụng tâm chuyên nhất vào bài học? Hầu như không có, tâm đều lơ lãng, như vậy làm sao mà dạy?
Chúng tôi luôn cảm thán rằng, không phải không có thầy giáo giỏi, mà là không có học sinh siêng năng học tập. Một người thầy có tâm, kỳ vọng suốt đời của họ là hy vọng có người kế thừa học nghiệp và đạo nghiệp của họ, truyền từ đời này qua đời khác không để nó gián đoạn. Nhưng tìm đâu ra người như thế?
Trước đây lúc thầy Lý nói chuyện với tôi, cũng thường rất cảm thán. Thầy nói học sinh tìm thầy giáo rất khó, có thể gặp không thể cầu. Thầy nói rằng, thầy tìm học trò lại càng khó hơn, còn khó hơn học sinh tìm thầy, đi đâu để tìm? Trong đời, muốn gặp một người để truyền đạo, cơ duyên này rất trân quý. Ngạn ngữ xưa thường nói: “Bất hiếu có ba, vô hậu lớn nhất”, những gì ta có được cần phải có truyền nhân. Nếu không có truyền nhân, khi chết đi, sự nghiệp một đời coi như thành con số không, không thể nói có thành tựu. Sự nghiệp một đời của ta rất bình phàm, không có thành tựu gì lớn lao, nhưng học sinh có thành tựu chính là thành tựu của mình. Đời kế tiếp của mình, đời kế tiếp nữa có thành tựu, đó thật sự là thành tựu của ta.
Bởi vậy giáo dục của người xưa, trong giáo dục truyền thống xưa, thứ nhất là truyền thừa đạo nghiệp. Gia đình ngày xưa, gia có gia đạo, gia đạo là gì? Là luân lý đạo đức, là điều mà tổ tông coi trọng. Theo tứ duy bát đức mà nói, hợp lại thành 12 chữ, hiếu để trung tín, lễ nghĩa liêm sỉ, nhân ái hòa bình. 12 chữ này nhà nhà đều phải học, nhưng có người trọng chữ hiếu, có người trọng nghĩa, có người trọng chữ nhân, không giống nhau. Con cháu đời sau của họ truyền thừa không tương đồng, đời này qua đời khác duy trì gia phong không sụp đổ, phải có người như vậy. Đối với hàng hậu nhân phải siêng năng dạy dỗ, để họ có khả năng truyền thừa, phát triển gia đạo ngày càng rực rỡ, vinh tông diệu tổ, nở mặt nở mày. Giá trị quan về nhân sinh của người xưa là kiến lập ở đây, không phải kiến lập ở bản thân, là kiến lập ở chỗ vĩnh hằng.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 247)