Trong kinh cũng có nói, Ma Hê Thủ La là thượng thủ của thiên nhân cõi Tịnh Cư, ý nghĩa này cũng hay. Tịnh Cư thiên tức là Ngũ Bất Hoàn thiên, vị đại đức được tôn kính nhất xưng là Ma Hê Thủ La. Ðây là do thiền định được đại tự tại nên Ma Hê Thủ La cũng có thể xưng là Ðại Tự Tại thiên. Ðây là mười tám tầng trời Sắc Giới, giới thiệu đơn giản đến đây. Câu tiếp theo: Nãi chí Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiên. (Cho đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tướng Xứ.) Chữ nãi chí ở đây ngụ ý đã lược bớt. Ðã lược bớt Tứ Không thiên, Vô Sắc Giới thiên. Thiên nhân ở trời Vô Sắc Giới thực sự là phàm phu rất thông minh, rất có trí huệ. Ở Trung Quốc cổ đại, Lão Tử xuất hiện vào triều nhà Châu, thời đại Xuân Thu (722 trước công nguyên đến 481 trước công nguyên), cùng thời với Khổng Tử, lớn tuổi hơn Khổng Tử. Người này rất thông minh, Ngài nói: “Tôi có một mối lo lớn vì tôi có thân này”. Ngài nói tôi có một mối lo lớn, vì sao? Vì tôi có cái thân này. Thân là gốc khổ, nếu không có thân thể thì tốt biết mấy, tự tại biết mấy; Ngài là phàm phu bậc cao nên mới biết thân là gốc khổ. Làm sao xả bỏ thân, không cần nữa? Ngài chán ghét sắc thân, cộng thêm công phu định lực của Ngài, đích thật có thể xả bỏ sắc thân này, lìa khỏi, thăng lên cõi trên, phần nhiều chúng ta gọi là “linh giới”; y theo Phật pháp thì chỉ có thần thức chẳng có sắc thân, hạng này chúng ta xưng là Vô Sắc Giới. Người cõi trời Sắc Giới đã xả bỏ dục, đã xả bỏ ngũ dục lục trần, phiền não nghiêm trọng này, thoát ra khỏi Dục Giới đến cõi Sắc Giới. Sắc Giới vẫn còn sắc tướng, thân thể, hoàn cảnh cư trú, những thứ này còn phiền phức, còn chưa rốt ráo, xả bỏ những thứ này thì lên đến Tứ Không thiên. Tứ Không thiên vẫn còn trong phạm vi của lục đạo, chưa thoát ra khỏi lục đạo.