Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Tham sân si là nghiệp nhân thứ nhất đoạ ba đường ác, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh

Tam độc tham - sân - si
Ý niệm tham sân si, bất luận là đối với người, đối với sự việc, đối với sự vật, đều là ác nghiệp. Tham mà không chán, hận tận xương cốt, đây đều là tạo tội nghiệp cực nặng. Tạo nghiệp nhất định có quả báo, quả báo tại ba đường ác. Tâm tham đọa ngạ quỷ, sân nhuế đọa địa ngục, ngu si đọa súc sanh. Cho nên tham sân si là nghiệp nhân thứ nhất của ba đường ác. Đức Phật dạy: “cần tu giới định tuệ, tức diệt tham sân si”. Đây là dạy người những gì? Dạy người không đọa ba đường ác. Ba đường ác đích thực có, ta không tạo nghiệp vào ba đường ác, ta sẽ không đọa ba đường ác. Muốn đoạn tham sân si, đối với thế duyên nhất định phải nhìn cho nhẹ nhàng thôi. Thực sự làm được “không tranh với người, không mong với đời”. Ở thế gian người thông minh nhất, người đại phước báo nhất, không phải là làm thiên vương, nhân vương, đều không phải. Chư vị trong tâm hiểu rõ niệm Phật cầu sanh thế giới Cực Lạc, là người phước báo lớn nhất thế gian. Vì sao vậy? Vì sẽ vĩnh viễn thoát ly luân hồi. Không những vĩnh thoát luân hồi, mà vĩnh viễn thoát ly thập pháp giới. Quí vị nói xem phước báo này lớn biết bao! Người thoát ly thập pháp giới đi làm Phật, đi làm Bồ Tát rồi. Hạng người này thật giống như trong Kinh A Di Đà nói, không thể thiếu thiện căn phước đức nhân duyên, vậy chúng ta liền biết, họ có đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên. Có duyên với Phật là kết đại nhân duyên rồi.
Theo lời giáo huấn của Phật, đặc biệt là gặp được kinh điển Đại thừa, gặp được pháp môn Tịnh độ, vậy không quá tuyệt ư? Ngay trong đời này chắc chắn thành tựu. Cho nên đối với thế duyên nhất định phải buông xuống. Sống trong thế gian này, phải giống như Bồ Tát tùy duyên diệu dụng. Tùy duyên nghĩa là tất cả đều không tính toán. Diệu dụng là mỗi mỗi đều buông bỏ được. Buông bỏ, tâm thanh tịnh của quí vị liền hiện tiền. Tham sân si này quí vị buông bỏ rồi, tâm thanh tịnh hiện tiền. Nếu như tách rời ra để nói, buông bỏ tham, tâm thanh tịnh hiện tiền, buông bỏ sân nhuế tâm bình đẳng hiện tiền, buông bỏ ngu si, tâm chánh giác hiện tiền. Quí vị phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, quí vị nhất định được sanh.
Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói thanh tịnh bình đẳng giác, quí vị đều đạt được hết. Trong kinh nói rất rõ ràng, rất thấu đáo, tâm tịnh tức Phật Độ tịnh. Thế giới tây phương Cực Lạc là pháp giới thanh tịnh bình đẳng giác, đầy đủ thanh tịnh bình đẳng giác không có một ai không vãng sanh cả. Tâm thanh tịnh sanh cõi Đồng cư, tâm bình đẳng sanh cõi Phương tiện, chánh giác sanh cõi Thật báo trang nghiêm. Chúng ta thực sự hiểu thấu đáo rồi, hiểu rõ ràng rồi, vĩnh viễn thoát ly luân hồi, cầu sanh Tịnh Độ là đại sự số một trong đời này của chúng ta. Họ có bị chướng ngại hay không? Có. Chướng ngại chính là không thể buông bỏ tham sân si. Thực sự buông bỏ tham sân si chướng ngại của quí vị không còn nữa. Nghiệp chướng của quí vị tiêu trừ. “Nguyện tiêu tam chướng chư phiền não”. Quí vị không buông bỏ chướng ngại của quí vị sẽ không bỏ được. Buông bỏ chướng ngại liền không còn nữa.
Uất Già La Việt Vấn Kinh nói rất hay. Cho rằng lúc Bồ Tát hành bố thí dùng ly dục tưởng, tu từ tưởng, vô si tưởng để đối trị với ba ác tưởng. Ly dục đối trị tham tưởng, không còn tham nữa. Tu từ đối trị sân tưởng. Vô si đối trị si dục tưởng. Quí vị xem họ có thể đối trị. Nhân sinh tại thế, cuộc sống rất đơn giản, có được chút ít là đủ rồi, có dư đem bố thí cho người thiếu thốn hơn, thì tưởng tham này sẽ bị đoạn mất. Tham dục của con người chính là tài sắc danh thực thùy, năm dục này biết đủ mà dừng lại. Cổ nhân tu hành đều hi vọng những thứ này thiếu một chút, không để cho nó đầy đủ, có những thiếu sót. Điều này có gì tốt? Đối với thế gian này không có tham luyến. Nếu như về mặt vật chất mỗi mỗi đều đầy đủ, họ sẽ có tham luyến, sợ được sợ mất. Điều này đối với niệm Phật vãng sanh có chướng ngại rất lớn. Không thể không biết điều này. Tiền tài thiếu một chút là tốt. Sắc, người xuất gia vĩnh viễn xa lìa rồi, người tại gia cũng phải biết dừng. Danh lợi cũng phải biết đủ mà dừng. Không nên đi tranh với người khác, tranh chính là tạo tội nghiệp. Tranh không được là do trong số mệnh không có. Tranh được rồi cũng là trong số mệnh đã có. Trong số mệnh có hà tất phải đi tranh! Dùng tâm cạnh tranh, dùng thủ đoạn phi pháp để đạt được toàn là thứ trong số mệnh đã có, vậy là oan uổng quá, thực sự oan uổng! Hơn nữa dùng thủ đoạn không chính đáng để đạt được, thông thường mà nói đối với quí vị đã bị chiết khấu bớt rồi. Ví dụ như trong số mệnh của quí vị có được một triệu, dùng thủ đoạn không chính đáng để đạt được, thì quí vị chỉ có thể đạt được 500.000, bản thân cảm thấy rất hài lòng rồi, mình tài cán hơn người, mình có thể kiếm được nhiều như vậy. Không ngờ rằng đã bị chiết khấu mất rồi, trong số mệnh quí vị không phải chỉ chừng đó. Quí vị nói xem có oan uổng không chứ? Nếu như quí vị làm được không tranh với người, không mong với đời. Bản thân có một chút cũng hi vọng bố thí cho người khác. Đây là hành vi của Bồ Tát. Kết quả của họ như thế nào? Càng bố thí càng nhiều, càng nhiều càng thí, tuyệt đối không để lại cho bản thân hưởng thụ. Để dành cho bản thân hưởng thụ là sai rồi, không cần thiết. Trà thô cơm nhạt là ăn uống lành mạnh nhất.
• Trích từ: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – Tập 281.
Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không.
Chuyển ngữ: Liên Hải.
Biên tập: Minh Tâm.
Thời gian: 14.02.2011.
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện – Úc Châu.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Xin thường niệm A DI ĐÀ PHẬT, nguyện cầu sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc.
Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *