Ngày nay chúng ta đọc đoạn kinh này ‘hà huống tứ tình sát hại, thâu đạo, tà dâm, vọng ngữ, bá thiên tội trạng’ thì cũng giống như nói về xã hội hiện đại của chúng ta. Thời xưa người ta đọc kinh, đọc đến những hiện tượng này nhưng chẳng nhìn thấy, bây giờ các hiện tượng này đã quá phổ biến trên thế giới. Chúng ta thấy những hiện tượng này chẳng thể không sợ hãi, chúng sanh tạo những tội nghiệp này làm sao nói không có quả báo cho được? Ngày nay những tai biến trên toàn thế giới [xảy ra], người hiện nay đều gán vào tai họa tự nhiên, đều cho rằng chẳng do sức người tạo nên, suy nghĩ như vậy là sai lầm. Tai họa tự nhiên hình thành như thế nào? Đều do tâm con người tạo thành. Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ càng, hết thảy vạn vật, phía trước đã nói tất cả đều đang ‘động’, chỉ cần là một hình tượng vật chất, thì nguyên tử, điện tử của nó đều đang dao động, và khi ấy sẽ có ‘sóng’. Khi tâm con người khởi tâm động niệm, giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, những làn sóng cực ác này, hơn nữa hết thảy chúng sanh đều tạo các ‘làn sóng’ này, bạn nghĩ coi ‘sóng’ ác này lớn dường nào. ‘Làn sóng’ lớn mạnh này thay đổi vật chất, ảnh hưởng vật chất, cải biến vật chất, làm cho kết cấu bình thường của vật chất bị phá hoại mất. Đây tức là câu chúng ta thường nói trong Phật pháp: ‘Y báo chuyển theo chánh báo’, y báo là núi sông đại địa, biến chuyển theo tâm con người, tâm người thiện thì hoàn cảnh sẽ tốt, mưa thuận gió hòa; tâm người chẳng thiện thì sẽ sanh lên các thứ tai họa.
Đáng tiếc là hiện nay phần đông người ta không tin [việc này], cứ cho cách nói như vậy là mê tín. Đợi đến một ngày nào đó họ hiểu rõ ràng, hiểu rành rẽ thì chẳng còn kịp nữa, thế giới đã bị hủy diệt rồi. Chẳng tin tưởng lời dạy chân thật của Phật thì bạn phải nhận chịu quả báo. Những ‘sóng’ này vô cùng xấu ác, hiện nay gọi là ‘từ trường’, trong Phật pháp gọi là ‘quang’, người Trung Quốc nội địa gọi là ‘khí’; [quang này] xấu cùng cực, ác cùng cực, khi bạn tiếp xúc đến thì thân tâm chẳng yên ổn, hầu như mọi người trên toàn thế giới chúng ta đều có cảm nhận này, có nơi nào đời sống con người được yên ổn? [Mọi người] đều lo lắng, âu sầu, chẳng biết nơi nào yên ổn. Mọi người đều biết tai họa gần xảy ra, nhưng chẳng biết tai họa hình thành như thế nào? Những thứ này đều là ảnh hưởng của ‘sóng’. Tại sao thế giới của chư Phật, Bồ Tát tốt đẹp như vậy? Tâm của mỗi cá nhân ở đó đều thanh tịnh, hiền lành, cho nên hoàn cảnh, y báo nơi cư trú đều rất thù thắng. Phàm những người vãng sanh đến Tây phương Cực Lạc thế giới đều là thượng thiện, tâm bạn không thiện thì sẽ không sanh đến được. Trong Phật pháp nói tây phương Cực Lạc thế giới là một thế giới rất mới mẻ, đức Phật A Di Đà xây dựng tới nay chỉ mười kiếp mà thôi, mười kiếp so với thời gian vô hạn là một thời gian rất ngắn, cho nên nói đó là một thế giới mới mẻ. Người ở đó chẳng phải là người bản xứ, trong đó chẳng có người bản xứ, đều là người từ nơi khác di dân đến. Còn điều kiện di dân, đức Phật A Di Đà rất thông minh, di dân cần điều kiện gì? Tâm địa hiền lương, tâm địa thanh tịnh, ngài tuyển chọn những người như vậy; người tâm địa chẳng hiền lương thì không được vào, cho nên thế giới ấy tốt đẹp như vậy.
Chẳng như thế giới Sa Bà của chúng ta có người bản xứ, chẳng có cách chi, những người này tâm địa chẳng thiện nên gọi là đời ác ngũ trược. Chúng sanh tạo tội nghiệp nhiều như vậy, chư Phật, Bồ Tát tới khuyên răn, hướng dẫn, khuyên họ chưa chắc đã nghe, chưa chắc có thể y giáo phụng hành. Nhưng Phật, Bồ Tát từ bi đến cùng cực, chúng sanh không nghe, các ngài cũng tới khuyên, sự khuyến cáo này vĩnh viễn sẽ chẳng gián đoạn, chẳng chấm dứt, vẫn hy vọng có một ngày bạn giác ngộ, quay trở về. Nên người thật sự hiểu được, giác ngộ rằng hoàn cảnh ở đây chẳng dễ tu hành, đức Phật khuyên chúng ta ‘di dân’ đến tây phương Cực Lạc thế giới, kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta [phương pháp] di dân. Khi chúng ta hiểu rõ đạo lý, biết được phương pháp, chúng ta sẽ có lòng tin rất sâu, biết mình chắc chắn có thể di dân đến tây phương Cực Lạc thế giới ngay trong đời này được, chúng ta thay đổi hoàn cảnh sinh sống, thay đổi hoàn cảnh tu hành. Chúng ta cũng biết tận hư không, trọn khắp pháp giới đều là một thể, nên di dân đến Cực Lạc thế giới xong thì phải giúp đỡ những chúng sanh trong lục đạo, đều từ bi, có trí huệ giống chư Phật, Bồ Tát, họ đến răn dạy, hướng dẫn những chúng sanh này.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh giảng ký, tập 24)