Học Phật, đây là lợi ích đầu tiên, thân tâm mạnh khỏe. Điều này thầy giáo tôi làm gương cho chúng ta thấy, cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Lúc thầy 95 tuổi, còn tự mình nấu cơm, tự mình giặt áo quần, không cần người khác giúp đỡ. Năm 95 tuổi, do học trò tha thiết thỉnh cầu, có hai học trò tự nguyện đến chăm sóc, thầy miễn cưỡng đồng ý. Chứng minh điều gì? Thầy còn sức khỏe, hà tất phiền phức người khác?
Thầy ăn ngày một bữa, ăn được bao nhiêu năm? Thầy nói với tôi, năm thầy hơn 30 tuổi, học Phật là bắt đầu ăn ngày một bữa, đến hơn 90 tuổi. Hơn 70 năm, bảy tám mươi năm, ngày ăn một bữa, một ngày ăn một bữa cơm. Công việc của thầy bằng lượng công việc của năm người bình thường, lượng công việc nhiều như vậy. Năm tôi theo thầy học, thầy 69 tuổi, tôi theo thầy mười năm. Thầy là tấm gương tốt của chúng tôi, là chứng minh. Hưởng thụ cao nhất của đời người là gì? Là không cầu người khác, tự mình có thể chăm sóc mình, không cầu cạnh người khác. Hưởng thụ cao nhất đời người tuyệt đối không phải địa vị cao, không phải có của cải, không phải vậy. Là cơm trà đạm bạc, thân tâm mạnh khỏe, mỗi ngày tăng trưởng trí tuệ, tăng trưởng đức hạnh, quý vị xem an vui biết bao! Không có ưu tư, không hề vướng bận, không có phiền não, áp lực cũng không, sống cuộc đời thần tiên. Huống gì có người đã làm gương cho chúng ta thấy, chúng ta biết đây là thật không phải giả. Tôi ăn ngày một bữa là học theo thầy Lý, tôi ở Đài Trung mười năm, lúc đó tôi ăn ngày một bữa được năm năm, tôi có căn bản này. Về sau đi ra hoằng pháp, mọi người thấy tôi ăn ngày một bữa đều không yên tâm, nói nếu thầy không ăn đầy đủ, thiếu dinh dưỡng, sau này có hại đến sức khỏe, chúng tôi không gánh vác nổi, không còn cách nào khác. Tôi phải làm sao? Tôi đổi thành ngày ăn ba bữa, nhưng ăn ít lại. Khi tôi ăn ngày một bữa, lúc đó một bữa ăn ba bát cơm, đây là bát nhỏ bình thường. Tôi ăn ba bữa cơm, một bữa ăn một bát, cũng như nhau, tôi đã dùng phương pháp này. Quý vị nên biết rằng, ngày ăn một bữa đỡ phiền biết bao, sáng tối không ăn cơm quả là rất tiện lợi. Mà tự mình nấu một bữa cơm, từ khi bắt đầu nấu_Thầy tôi là người Tế Nam Sơn Đông, thích ăn mì. Tôi cũng học theo thầy, dùng mì sợi. Ở quê chúng ta gọi là mì sợi, ở đây cũng gọi như thế, nấu rất dễ. Một bữa cơm từ khi nấu đến lúc ăn xong, chỉ mất 25 phút, quý vị xem đơn giản biết bao, rất dễ. Thầy nói rằng: “người đến lúc vô cầu nhân phẩm tự cao”, quý vị cần quá nhiều thứ thì phải cầu cạnh người khác, một người suốt đời không cầu cạnh người khác là cao nhất.
Những điều này tôi cũng không hy vọng mọi người học nó, vì sao vậy? Vì phiền não phải nhẹ mới được. Nhất định phải biết, thân thể là một bộ máy, ẩm thực là bổ sung năng lượng. Bộ máy này của quý vị cần tiêu hao rất nhiều năng lượng, nếu như không bổ sung nó sẽ hư hỏng. Đây là thật, không phải giả. Nhưng năng lượng tiêu hao vào đâu? Mấy năm tôi theo thầy, tôi có được một tâm đắc, liền đem nó nói với thầy. Tôi nói tiêu hao của năng lượng, hầu như 90% đến 95% tiêu hao ở nơi vọng niệm, tức là nghĩ đông nghĩ tây, suy nghĩ bậy bạ. Thầy vỗ bàn nói: Đúng, rất có lý. Đối với việc lao tâm lao lực, năng lượng tiêu hao rất ít. Lao tâm, tôi thấy thầy Lý mỗi ngày phải dạy học, thầy còn là một nhân viên công vụ, bí thư chủ nhiệm của Phụng tự quan phủ. Phải đi làm, phải làm việc cho họ. Dạy học hai trường, thầy là một giáo thọ giỏi, còn phải dạy Phật học cho những người học Phật. Chúng tôi học kinh giáo với thầy, một tuần ba tiếng. Ngoài ra còn dạy quốc văn, phải dạy chúng tôi học quốc văn, cũng một tuần ba tiếng. Có khi những người mộ danh từ trong nước và nước ngoài đến thăm hỏi, và những người đến thỉnh giáo nhiều vô kể. Muốn gặp thầy phải hẹn trước, phải hẹn trước một tuần mới sắp xếp được thời gian. Đột xuất đến gặp thầy nhất định không gặp được. Từ cuộc sống của thầy tôi rút ra một kết luận, lao tâm lao lực tiêu hao năng lượng không nhiều, vọng tưởng tiêu hao năng lượng mới nhiều. Bởi vậy suy nghĩ lung tung nếu ăn không no không được, cần phải bổ sung năng lượng này. Muốn giảm ít năng lượng, trước tiên phải ít sanh phiền não. Phiền não nhẹ, trí tuệ tăng trưởng. Một bữa cơm này là đủ, quá đầy đủ. Trong này không có gì bí mật cả, nó rất có đạo lý.
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa (VLT), tập 200.