Lại nữa, này Phổ Quảng, nếu trong đời vị lai, nơi cõi Diêm Phù Ðề, trong hàng Sát đế Lợi, Bà La Môn, trưởng giả, cư sĩ, hết thảy các người và những chủng tộc dòng họ khác, có người mới sinh được con trai hoặc con gái, trong vòng bảy ngày, sớm vì đứa trẻ đó mà tụng kinh điển không thể nghĩ bàn này, lại vì đứa trẻ mà niệm danh hiệu của Bồ Tát đủ một vạn biến, thì đứa trẻ mới sinh đó, hoặc trai hoặc gái, nếu đời trước có ương báo thì đều được giải trừ, lại thêm yên ổn, vui vẻ, dễ nuôi, thọ mạng tăng trưởng, còn nếu nương nơi phước lực mà thọ sanh, thì nó càng được an vui hơn và sống lâu hơn.
Đây là dạy lúc sanh sản nên làm thế nào để tu phước. Sự việc này, vệ sinh, thuốc men hiện nay phát triển hơn lúc trước, tình huống tốt hơn lúc trước rất nhiều. Thời xưa, đặc biệt là những vùng nông thôn lạc hậu, sanh con là một việc lớn liên quan đến tánh mạng. Do đó đức Phật ở đây đặc biệt nêu ra, dạy chúng ta cách làm thế nào tu học, làm sao cho mẹ con được bình yên. Đức Phật trong kinh dạy chúng ta, quan hệ giữa người trong nhà vô cùng mật thiết, chắc chắn là có nhân duyên sâu xa, chẳng phải ngẫu nhiên mà tụ hợp. Nhân duyên vô cùng phức tạp, Phật quy nạp những nhân duyên phức tạp này thành bốn loại lớn, đó là như trong kinh thường nói: ‘Báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ’, cho nên mới tụ lại thành người một nhà. Cha con, anh em, chị em đều chẳng rời những quan hệ này, do nhân duyên đời trước nên mới thành người một nhà, ngạn ngữ thường nói: “Chẳng phải oan gia thì chẳng đụng đầu”, lời này rất có đạo lý. Nhưng sau khi giác ngộ, người trong nhà của bạn biến thành quyến thuộc trong Pháp, như vậy rất tốt, rất thù thắng. Chẳng giác ngộ thì người trong nhà [tụ lại để] ân oán báo đền lẫn nhau, đó gọi là khổ chẳng nói nổi. Rốt cuộc thì báo ân rất ít, báo oán lại nhiều, trả nợ thì ít, đòi nợ thì nhiều, cho nên cả đời người thế gian xảy ra những ‘chuyện chẳng như ý nhiều như cơm bữa’, đây là sự thật mà chúng ta đã từng trải qua, đích thân nhìn thấy. Cho nên con cái sanh ra, nhất định phải hiểu nhân duyên đời trước của nó.
Quả báo đều là bình đẳng, bất luận giàu sang, nghèo hèn, trong kinh nói tới ‘Sát Lợi’, trước kia ở Ấn Độ là hoàng tộc, Bà La Môn là những nhà tôn giáo có địa vị cao trong xã hội, trưởng giả, cư sĩ đều có phước báo. Phía sau nói ‘hết thảy các người và những chủng tộc dòng họ khác’, phạm vi bao gồm rất rộng, bao gồm hết bốn dòng họ, giai cấp ở Ấn Độ, người Trung Quốc chúng ta gọi là nghèo, giàu, sang, hèn. Bất luận là thân phận nào, địa vị nào, sanh sản tuyệt chẳng thể tránh khỏi, hơn nữa sự đau khổ trong khi sanh sản đều bình đẳng, người giàu sang thì chăm sóc chu đáo một chút, người nghèo hèn thì chăm sóc tệ một chút. Nói tóm lại, nỗi khổ này chẳng thể nào tránh khỏi. Phật dạy chúng ta phương pháp ‘trong vòng bảy ngày sớm vì đứa trẻ đó mà đọc tụng kinh điển không thể nghĩ bàn này’, phải ‘sớm đọc’. Tốt nhất là nếu người trong nhà có tín ngưỡng Phật pháp, có thể tiếp nhận giáo huấn của đức Phật, nên đọc vào lúc nào? Ngay lúc mang thai liền đọc!
Mỗi ngày đọc một bộ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, hoặc niệm một ngàn danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, phải dùng tâm chân thành, cung kính để tụng niệm thì phước báo sẽ rất lớn. Cho dù đứa con trong thai đến để báo oán, là oán gia chủ nợ đến, nếu bạn có thể chăm sóc nó như vậy thì oán kết ấy sẽ được hóa giải. Bạn có ân đối với nó thì nó sẽ chẳng báo oán, nó sẽ đến cảm ơn, chuyển biến phải bắt đầu từ lúc ban đầu. Ở đây nói ít nhất phải là bảy ngày trước khi sanh, đương nhiên càng sớm thì càng tốt. Cho nên khi chúng ta hiểu đạo lý này, biết phương pháp này, tốt nhất là khi mang thai bèn đọc, bèn tu tập theo phương pháp này. Người làm mẹ, tâm bình khí hòa, chân thành cung kính, thanh tịnh bình đẳng, khởi tâm động niệm gì cũng tuyệt đối sẽ ảnh hưởng đến đứa bé trong thai. Dùng lý luận khoa học hiện nay để nói thì mọi người dễ hiểu hơn, đây thuộc về hiện tượng ba động (làn sóng).
Do đó có thể biết khi thần thức đến đầu thai, nó có niệm đầu (một niệm), nó có làn sóng, thế nên khi người mẹ khởi tâm động niệm, hết thảy cử chỉ đều ảnh hưởng đến bào thai, vì vậy người Trung Quốc thời xưa chú trọng thai giáo, đạo lý là như vậy. Chúng ta hiểu được ‘thai giáo’ ghi trong sách xưa, trong đó có nói một số nguyên lý, nhưng nói chẳng rõ ràng, thấu triệt, đọc xong chúng ta nửa tin nửa ngờ, chẳng biết mức nghiêm trọng của ảnh hưởng [thai giáo], chẳng biết được! Ngày nay chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật của ‘ba động’ thì biết khởi tâm động niệm ảnh hưởng đến thai nhi rất nhiều, rất lớn, do đó người làm mẹ trong thời gian mang thai, khởi tâm động niệm đều là thiện, đều thanh tịnh, thì đứa bé trong thai nhận được lợi ích rất lớn, quá lớn! Người ta ai cũng hy vọng con cái của mình tốt lành, con hiếu cháu hiền. Làm sao dạy nó? Lúc mang thai, tự mình chúng ta phải hiếu thảo, phải tận hiếu, ba động của sự hiếu thảo ảnh hưởng tới đứa trẻ. Chúng ta tu tịnh, tu thanh tịnh, tu phước, vậy mới thật sự dạy nó gieo trồng hạt giống [thanh tịnh, phước đức]. Việc này chẳng phải là không có đạo lý, nhất định chẳng có mê tín.
Tại sao đức Phật dạy chúng ta đọc bộ kinh này? Kinh này là Hiếu Kinh, tinh thần nói trong kinh này quy nạp vào bốn chữ ‘hiếu thân tôn sư’, hiếu thuận cha mẹ tôn kính sư trưởng là căn bản của sự giáo học thế gian và xuất thế gian. Chúng ta tu học Phật pháp Đại Thừa bắt đầu học từ đâu? Từ kinh Địa Tạng, Địa là tâm địa, Tạng là là kho tàng. Bảo tàng trong tâm địa là gì? Vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng; ‘đức’ là phước đức, ‘năng’ là năng lực kỹ thuật; vô lượng tài nghệ là kho báu vốn có trong tự tánh chúng ta, đó gọi là Địa Tạng. Kho báu chôn dưới đất, giống như ngày nay chúng ta gọi là kho vàng bạc, nếu không khai thác mà cứ chôn vùi dưới đất, tuy có nhưng chúng ta chẳng được thọ dụng. Bạn phải biết khai thác, dùng phương pháp gì để khai thác? Khai thác kho báu trong tự tánh nhất định phải dùng tánh đức, phải dùng công cụ này, tương ứng với nó thì mới khai phá được. Trong tánh đức, tánh thù thắng nhất chính là ‘hiếu kính’, thế nên hiếu kính mới có thể khai phát kho báu tự tánh. Tu học Phật pháp Đại Thừa phải bắt đầu học từ đâu? Phải học Địa Tạng trước nhất, hạ thủ từ chỗ này. Học Hiếu Đạo trước, từ Hiếu Đạo xây dựng Sư Đạo, Phật pháp là Sư Đạo, Sư Đạo xây dựng trên cơ sở của Hiếu Đạo.
Đoạn này nói niệm kinh Địa Tạng lúc sanh sản có lợi ích. Khi niệm kinh nếu có thể hiểu rõ lý luận, phương pháp, cảnh giới nói trong kinh thì sức mạnh càng thù thắng. Do vì bạn hiểu được, khi bạn đọc thì tùy văn nhập quán, lúc bình thường chúng ta không thể chuyển cảnh giới, ít nhất thì lúc đọc tụng có thể chuyển cảnh giới được một chút; bạn có thể chuyển một phần, hai phần cũng có hiệu quả, hiệu quả được tỏ lộ qua các làn sóng. Nếu thấu hiểu sâu hơn, lúc thường ngày có thể y giáo tu hành thì sức mạnh ấy chẳng thể nghĩ bàn. Phía sau nói về quả báo ‘thị tân sanh tử’, đứa bé mới vừa sanh, hoặc trai hoặc gái, ‘túc hữu ương báo, cánh đắc giải thoát’, nếu đời trước nó tạo tội nghiệp, đời này đến để thọ báo thì tội nghiệp ấy bị tiêu mất. Đích thật là tiêu trừ nghiệp chướng cho đứa bé, tiêu trừ nghiệp chướng vào lúc này thì dễ hơn.
Khi đứa bé trưởng thành, mỗi ngày từ sáng đến tối nó suy nghĩ lung tung, tới lúc đó bạn muốn tiêu trừ nghiệp chướng sẽ chẳng được. Lúc bây giờ [còn nhỏ] nó hoàn toàn nghe lời nên tiêu trừ nghiệp chướng đều phải làm ngay bây giờ. Do đó chúng ta mới thấu hiểu việc cổ thánh tiên hiền nói về thai giáo quan trọng dường nào, đây là thai giáo [nói] trong nhà Phật. Sau đó nói ‘an lạc dị dưỡng, thọ mạng tăng trưởng’, đứa bé này nghiệp chướng tiêu trừ, tai nạn cũng tiêu trừ, rất dễ nuôi, thọ mạng tăng trưởng. Nếu đứa bé này thừa phước mà sanh, đời quá khứ nó có tu phước, tức là chúng ta có nói nó đến để báo ân, đời quá khứ chịu ân đức với cha mẹ, tự mình cũng tu phước. “Chuyển tăng an lạc, cập dữ thọ mạng”, bạn có thể dạy nó, giúp nó, thì phước báo của nó càng lớn, thọ mạng càng dài. Chú giải chú rất hay, chúng ta có thể tham khảo, không cần nói thêm.
A di đà Phật
Trích: Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Ký Tập 24_HT. Tịnh Không Chủ Giảng.