Nhận được thư đầy đủ, khoản tiền phóng sanh [ông đã gởi] sẽ dùng vào các món chi phí lặt vặt [cho lễ] phóng sanh, miễn sao chính mình không [đem khoản tiền ấy] dùng vào việc khác thì sẽ không trở ngại gì; cũng không ngại nói rõ với mọi người khi họ tụ tập [tham dự lễ phóng sanh] thì mình lẫn người đều không phải lo nghĩ gì! Quang một mực chẳng chủ trương phóng sanh vào những ngày khánh đản Phật, Bồ Tát và trong những ngày tốt như mồng Một, ngày Rằm. Chuyện này đã thành lệ nhất định không thay đổi được, do có [nhiều] người phóng sanh [trong những ngày ấy] mà những kẻ đánh bắt loài vật sẽ đặc biệt săn bắt nhiều hơn; cũng lắm khi vì [có người] phóng sanh mà họ mới đi bắt! Thói đời phần nhiều háo danh, [người ta ưa] phóng sanh trong những hôm ấy để được tiếng! Lòng người phần nhiều lại hay quen thói làm gì cũng chấp chặt theo lệ: Nếu chẳng phóng sanh trong những bữa ấy sẽ không chịu mua [loài vật] để phóng sanh [trong các hôm khác]. Tuy Quang thường nói với người khác như thế, rốt cuộc cũng chỉ trở thành nói uổng công!
Thêm nữa, cũng chớ nên phóng sanh loạn xạ. Đem thả xuống sông lớn thì không sao; chứ đem thả trong ao, phàm là cá dữ mà cũng thả lẫn vào đó, tức là thả giặc vào chỗ nhân dân tụ tập, lũ cá đều trở thành thức ăn cho nó! Muốn mỗi một việc đều đúng như pháp thì quả thật khó thể làm được. Do vậy, hãy nên cực lực đề xướng “kiêng giết, ăn chay” để làm cách giải quyết từ căn bản; chứ phóng sanh [chỉ là] chuyện thực hiện [hành vi cứu vớt] phần nào nhằm mong sao ai nấy đều cùng thấu hiểu ý nghĩa phóng sanh mà thôi! Nếu tận sức phóng sanh mà chưa thể lập cách phù hợp thì cũng chỉ là công vẫn chưa bù được tội.
Hành động phóng sanh về mặt Sự tuy vì loài vật, nhưng về mặt Ý thì thật sự vì con người. Nếu con người ngưng giết chóc, cố nhiên chẳng cần dùng đến hành động ấy. Nhưng con người tâm ăn thịt càng thịnh, nếu không lập ra hành động ấy; lâu ngày chầy tháng, hành vi dã man ở Phi Châu sẽ lưu hành khắp cõi đời! Há chẳng nên không lập sẵn cách để những kẻ ham giết chóc, ưa ăn thịt kia sẽ cùng sanh lòng răn dè tự phản tỉnh ư? Người phóng sanh chỉ nên mang ý niệm chẳng nỡ sát sanh, chứ đừng so đo con vật [sẽ được thả] ấy có ăn những sanh vật khác hay không! Loài cá phần nhiều ăn cá nhỏ hơn và những loài trùng nhỏ sống trong nước (tiểu thủy trùng). Nếu biện luận như thế thì thả một con cá to ắt hằng ngày nó sẽ giết vô số cá nhỏ và thủy trùng, tức là “thả một, giết nhiều”, vậy là “công ít, tội nhiều!” Nhưng trút, rắn, rái cá, xét đến cùng chẳng có mấy; đã chẳng thể mua hết các sanh vật để thả thì có lẽ cũng nên làm từ từ để khỏi bị kẻ rỗi hơi bàn ra tán vào!
Phóng sanh thì hãy nên lấy việc “chí thành niệm Phật, trì chú cho những con vật ấy” làm gốc. Bất quá, tất cả nghi thức cũng chẳng qua nhằm biểu thị pháp tướng mà thôi! Nếu như có ai khác [hiện diện trong khi phóng sanh], cố nhiên nên dựa theo nghi thức mà làm. Nếu không, chỉ dốc hết lòng Thành niệm Phật là được rồi! Hơn nữa, đối với những con vật sắp được thả, nếu nhằm ngày Hè hãy nên thả cho mau. Nếu câu nệ lề lối, cứ chiếu theo nghi thức để thực hiện, chắc sẽ phải tốn thời gian, bất lợi cho mạng sống [của con vật]. Cư sĩ phóng sanh hãy nên theo cách thức đơn giản. Nếu tâm chân thành, không giả dối, tiếm việt, thì chiếu theo nghi thức để phóng sanh cũng không phải là hoàn toàn không được! Nếu lầm lạc bắt chước theo nghi thức của Tăng sĩ, sẽ trở thành Ngã Mạn! Pháp cố nhiên viên dung, nhưng phải khéo dụng tâm. Tại gia cư sĩ có thể làm lễ phóng Mông Sơn thì cố nhiên [thực hiện] nghi thức Phóng Sanh cũng không trở ngại gì! Nhưng cần phải trọn chẳng mang tâm tiếm việt, ôm ý niệm độ sanh sâu xa thì mới được!
*Lời bàn: Xét ra, trong năm Dân Quốc 22 (1933), tức năm Quý Dậu, chùa Dũng Tuyền ở Cổ Sơn khánh thành vườn phóng sanh vừa mới được xây dựng, Đại Sư soạn bài văn bia, cho khắc vào đá đặt trước Bạch Vân Đường, đã nêu tỏ lý phóng sanh không còn sót. Nay chùa Trường Khánh là sơn môn bậc nhất ở Di Sơn, Phước Châu, xây thêm tường vây quanh ao phóng sanh. Xây cất xong xuôi, Đại Sư đã tám mươi tuổi, sức yếu, mắt lòa, chẳng dám phiền Đại Sư viết lách, chỉ kính cẩn sao chép bút tích chân thật từ sáu bài chỉ bày ý nghĩa trọng yếu của việc phóng sanh do Đại Sư đã gởi đến dạy dỗ trước kia, khắc vào đá, đặt bên trái ao. Nguyện những người theo đuổi việc phóng sanh trong hiện tại và vị lai đều cùng cố gắng! (Ngày lành tiết Trọng Xuân năm Canh Thìn – Trung Hoa Dân quốc 29 (1940), đệ tử quy y La Trí Thanh kính cẩn viết).
– Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ La Trí Thanh (thư thứ nhất)