“Phát Bồ Đề tâm” là nhất niệm, “nhất hướng chuyên niệm” là tịnh tín. Cổ Đại Đức dạy chúng ta không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, cách dạy như vậy thật sự là “tam căn phổ bị, lợi độn toàn thâu” (thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn độn căn), chúng ta sẽ có phần. Cách nói như vậy đều là căn cứ vào cách nói về Đại Thế Chí Bồ Tát. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư trong sách Tịnh Tu Tiệp Yếu, có lẽ có đồng tu đã đọc sách này rồi, trong sách Tịnh Tu Tiệp Yếu nói sơ tổ Tịnh Tông là Đại Thế Chí Bồ Tát. Khi mới lần đầu xem thấy câu này tôi đã sởn gai ốc. Thật hiếm khi Ngài nói một lời thông suốt như vậy, chúng ta nghĩ không ra nổi, nói cũng không ra nổi, nhưng Ngài nói thì tôi hiểu.
Tôi có thể hiểu được là nhờ năm xưa đã học Kinh Lăng Nghiêm. Tôi đã giảng Kinh Lăng Nghiêm sáu, bảy lần rồi. Tôi học Kinh Lăng Nghiêm khi thân cận với lão sư Lý ở Đài Trung nên đã có một chút nền tảng này, nhưng trước sau tôi vẫn chưa hề nghĩ Đại Thế Chí Bồ Tát là sơ tổ Tịnh Tông. Mọi người có thói quen nói sơ tổ Tịnh Tông của chúng ta là Huệ Viễn Đại sư, Huệ Viễn Đại sư là sơ tổ của Tịnh Độ tông Trung Quốc. Chúng ta sẽ lập tức nghĩ đến Bồ Tát Phổ Hiền ở phần sau cùng của kinh Hoa Nghiêm với mười đại nguyện vương dẫn quay về Cực Lạc. Vậy Bồ Tát Phổ Hiền là sơ tổ của Tịnh Tông của thế giới Ta-bà này, đây là xem thấy ở trên hội Hoa Nghiêm. Đại Thế Chí Bồ Tát là sơ tổ Tịnh Tông tận hư không khắp pháp giới.
Khi vừa mới xem sách Tịnh Tu Tiệp Yếu thì tôi liền nghĩ đến ba vị sơ tổ, khi đó tôi còn đang ở Mỹ. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ và tôi quen biết nhau, ông nói với tôi: “Pháp sư Tịnh Không! Pháp sư hãy đến Mỹ mà làm sơ tổ đi”. Ông nói tôi đến Mỹ để truyền Tịnh Độ tông, xây dựng Tịnh Tông Học Hội ở khắp nơi, ông nói tương lai tôi sẽ là sơ tổ Tịnh Tông của nước Mỹ. Từ sơ tổ Tịnh Tông này chúng ta phải hiểu, Đại Thế Chí Bồ Tát là vị sơ tổ căn bản, là vị sơ tổ khắp pháp giới hư không giới.
– Trích kinh Vô Lượng Thọ 10, tập 330, HT. Tịnh Không giảng, Vọng Tây cư sĩ dịch.