Kinh nói [pháp môn Tịnh Độ] là “pháp khó tin”!
Nếu những kẻ đó đều tin tưởng, làm sao đức Phật có thể nói kinh này là “pháp khó tin” cho được! Pháp này chẳng phải là rất dễ tin tưởng ư? Khó lắm! Thật sự là khó! Những người hữu tu hữu học, ắt phải thật sự học thông suốt rồi mới tin tưởng. Do vậy, các vị Liên Trì, Ngẫu Ích thường trích dẫn [lời dạy của các ngài] Mã Minh, Long Thọ, Thiên Thân Bồ Tát, Trí Giả, Vĩnh Minh, những vị ấy Tông lẫn Giáo đều thông, thật sự thông đạt, các Ngài chọn lấy pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thật sự thấu hiểu! Dẫu là người học Giáo Hạ đã lâu, kẻ ấy chẳng thật sự thông suốt. Chẳng thật sự thông suốt sẽ chẳng tin pháp môn này, chuyện này cũng chẳng kỳ lạ chút nào! Chưa thông hiểu, đích xác là chẳng tin. Chính bản thân tôi là một thí dụ, lúc tôi mới học Phật, chẳng tin tưởng Tịnh Độ. Vẫn kể như rất may mắn là [cuối cùng] tôi tin tưởng Tịnh Độ, chẳng phải là nghe người ta khuyên, tôi tin liền, đâu có đơn giản như vậy! Người đầu tiên khuyên tôi là pháp sư Sám Vân, tôi chưa thể tiếp nhận; về sau là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi bán tín bán nghi. Vì sao mới tin? Giảng kinh Hoa Nghiêm mười mấy năm rồi mới tin. Tôi giảng kinh Hoa Nghiêm bắt đầu từ năm Dân Quốc 60 (1971) mãi cho đến hiện thời chẳng gián đoạn. Năm nay là năm Dân Quốc 77 (1988), đã giảng mười bảy năm. Do kinh Hoa Nghiêm, tôi thường nói: “Tôi đã khai ngộ, đại triệt đại ngộ!” Ngộ gì vậy? Ngộ tu pháp môn Tịnh Độ! Vì từ kinh Hoa Nghiêm, tôi đã thấy rõ ràng, rành rẽ: Văn Thù, Phổ Hiền, Thiện Tài đồng tử, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ ai nấy đều niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới! Chuyện này đúng là giáng một gậy to vào đầu tôi, đánh thức tôi! Hoa Nghiêm là cảnh giới gì? Đến cuối cùng, thảy đều niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.
Do vậy, tôi đọc chú giải kinh Vô Lượng Thọ của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, cụ trích dẫn lời các vị đại đức đời Đường nói Hoa Nghiêm và Pháp Hoa đều nhằm dẫn đường cho kinh Vô Lượng Thọ, tôi vừa đọc liền thừa nhận [lời đoan quyết ấy] chẳng sai tí nào! Vì sao? Tôi tin tưởng pháp môn Tịnh Độ là nhờ kinh Hoa Nghiêm dẫn dắt. Chẳng có bộ kinh ấy dẫn dắt, dẫu như thế nào đi nữa tôi cũng chẳng thể tin tưởng, cũng chẳng chịu tu học. Vì thế, tôi vô cùng cảm kích kinh Hoa Nghiêm. Nếu không nhờ Hoa Nghiêm, tôi sẽ chẳng tin tưởng pháp môn này. Nói thật ra, kinh Hoa Nghiêm là Tự Phần của kinh Vô Lượng Thọ, là phần dẫn nhập của kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà là Chánh Tông Phần của kinh Hoa Nghiêm. “Thập đại nguyện vương đạo quy Cực Lạc” (Mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc), chẳng sai, chỗ quy túc cuối cùng trở về kinh Di Đà. Liên Trì đại sư bảo hai bộ kinh Di Đà và Vô Lượng Thọ là đồng bộ, được gọi là Đại Bổn và Tiểu Bổn. Tiểu Bổn giảng đơn giản, Đại Bổn giảng chi tiết, nhưng nội dung hoàn toàn giống nhau, chẳng sai biệt!
“Thông nhân triệt quả”, từ tu nhân đến chứng quả đều cần đến trí huệ. “Thành thỉ thành chung”, “thỉ” (始) là quý vị bắt đầu tin tưởng, phát nguyện, trì danh, trọn đủ Tín, Nguyện, Hạnh, đấy là “thành thỉ”; đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị viên chứng ba thứ Bất Thoái, thành Phật trong một đời, đó là “thành chung”. Thảy đều phải cậy vào trí huệ! Quý vị mới hiểu vì sao đức Phật gọi ngài Xá Lợi Phất để giảng [kinh Di Đà], chẳng gọi người khác. Đặc biệt là kinh Di Đà “vô vấn tự thuyết”, trong kinh này toàn là Thích Ca Mâu Ni Phật tự nói, những người khác chẳng nói xen vào một câu nào! “Khởi độc vi tín giải chi môn nhi dĩ tai” (Há có phải riêng một môn Tín Giải mà thôi ư!).
(Lược trích : A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển V – Tập 121 – Trang 12 – Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không)