Trong Phật pháp thường nói: Người chết làm dê, dê chết làm người, nhai nuốt lẫn nhau, ăn nó nửa cân, phải trả tám lạng. Không phải ăn không, tương lai phải trả nợ tất cả. Quý vị ăn cá, tương lai biến thành cá để trả nợ, nếu như ăm tôm, tương lai biến thành tôm để trả, chúng ăn lại quý vị. Nếu không giác ngộ, cứ mê hoặc trong đó, thì đời đời kiếp kiếp cứ luân hồi sanh tử như vậy, quả là khổ không sao nói hết.
Thế nên đời đời khó ra khỏi, đau khổ không cùng tận, đời đời là rất nhiều kiếp, cứ trôi lăn đời đời kiếp kiếp trong lục đạo để báo ân báo oán, đòi nợ trả nợ. Những ân oán nợ nần này, nếu quý vị mãi không buông, quý vị ghi mãi trong lòng thì rất phiền phức, vì thế mà không ra khỏi luân hồi.
Muốn ra khỏi luân hồi, tâm phải như thế nào? Buông bỏ hết những điều này. Ta nợ người phải trả, nhưng người nợ mình thì không cần nữa, bỏ hết. Không nghĩ đến bất kỳ điều gì, chỉ chuyên nghĩ đến Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc. Sau khi ở thế giới Cực Lạc thành Phật rồi, trở lại độ tất cả những người có ân có oán với mình, đây gọi là người có duyên. Nếu không có duyên họ không chấp nhận, nói họ cũng không tin, vì họ nghe không hiểu. Quý vị có duyên với họ, họ hoan hỷ, họ tiếp thu, nên Phật chỉ độ người có duyên. Chúng ta sẽ giúp tất cả những người có ân oán, có nợ nần với mình. Như vậy mới có thể giải quyết được vấn đề này một cách viên mãn.
Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng
A Di Đà Phật