Muốn cầu siêu cho cha mẹ được vãng sanh Tây Phương, hãy nên suất lãnh người nhà, thân thuộc cùng niệm Phật hiệu thì mới là chân thật tu trì. Quán Thế Âm Kinh, Tâm Kinh công đức chẳng thể nghĩ bàn, nhưng cần phải hồi hướng công đức ấy cho cha mẹ. Pháp môn Niệm Phật là pháp môn thường tu suốt đời, nhưng sao sau khi mẹ qua đời lại ngược ngạo chẳng chú trọng đến pháp tu này? Ông đã làm khách trọ tại thành Hàng Châu đã lâu, sao trọn chẳng biết có thể niệm Phật để cầu siêu cho cha mẹ vãng sanh Tây Phương vậy? Người biết Phật pháp chẳng nói đến kinh của Đạo giáo. Vì sao vậy? Do kinh của Đạo giáo là pháp để cầu phước báo nhân thiên, trọn chẳng phải là pháp liễu sanh thoát tử.
Còn như ông nói niệm kinh còn thiếu phương pháp thay đổi hơi thở [để giữ được nhịp] là vì ông vốn chẳng biết quy củ niệm kinh. Niệm kinh chính là cứ một mực mà niệm, trọn chẳng cần tới cách thay đổi hơi thở đặc biệt [để niệm], cứ thuận theo hơi thở ra vào, sao lại đến nỗi hụt hơi? Nhưng cậy người bình thường thiếu đạo tâm niệm kinh, dẫu cho kẻ ấy niệm từ đầu đến cuối hoàn toàn chẳng sót một chữ nào thì công đức vẫn rất hữu hạn, vẫn chẳng tốt bằng chính mình chí thành niệm Phật. Ngay như thỉnh Tăng [đến tụng niệm] vẫn là bày vẽ phô trương, niệm Phật vẫn tốt hơn.
Chương trình niệm Phật thì trước hết tụng một biến A Di Đà Kinh, rồi niệm ba biến chú Vãng Sanh, hoặc bảy biến, hay hai mươi mốt biến, tiếp đến niệm kệ tán Phật. Rồi niệm Phật, trước hết nhiễu niệm, kế đó ngồi niệm, rồi quỳ niệm danh hiệu ba vị Bồ Tát. Tiếp đấy, niệm bài văn phát nguyện, rồi niệm Tam Quy Y xong, lễ Phật ba lạy, lui ra. Đây là pháp tắc lễ niệm cho lần thứ nhất; lần kế tiếp chiếu theo đây cũng được; hoặc chẳng niệm kinh Di Đà, chú Vãng Sanh, chỉ đốt hương lễ Phật xong liền niệm kệ tán Phật, sau đấy đều niệm giống như lần đầu. Nếu không biết, hãy nên hỏi cư sĩ Niệm Phật sẽ tự biết rõ. Ông muốn cho cha mẹ đạt được lợi ích chân thật, hãy nên nghe theo lời tôi!
– Trích lời khai thị của Ấn quang đại sư, Như Hòa chuyển ngữ.