Nhân quả giống như bóng theo hình, tiếng vọng đi theo âm thanh. Chưa hề có hình mà không có bóng, có âm thanh mà chẳng có tiếng vọng vậy. Vì thế, kinh Thư nói: “Huệ địch cát, tùng nghịch hung, duy ảnh hưởng” (Thuận theo đạo lý thì tốt, trái nghịch thì xấu, giống như bóng theo hình, như tiếng vọng đi theo âm thanh vậy). Những kẻ bàn chuyện cao xa, cho nhân quả là hư huyễn, khác gì chấp rằng “mẹ quyết chẳng thể sanh được con, con quyết chẳng phải do mẹ sanh ra” ư? Trong đời nếu có kẻ như vậy, ắt bị người ta coi là điên khùng!
Rất lạ là nhà Nho đọc sách thánh hiền, chẳng lấy ngôn luận của thánh hiền làm chuẩn, chẳng lấy sự thật xưa nay làm chuẩn, cứ lấy sự thiên chấp, cái nhìn lầm lạc của chính mình làm chuẩn! Một người xướng, mọi người hùa theo, kẻ mù dẫn lũ đui kéo nhau vào lửa, đến nỗi thế đạo nhân tâm ngày một đi xuống, đến nỗi phế kinh điển, phế luân thường, phế hiếu, không hổ thẹn, giành đất, tranh thành, tàn sát lẫn nhau mà vẫn nhơn nhơn tự đắc, cho là ta chú trọng quay về đại đạo, chẳng bắt chước bọn hủ bại đời trước cứ luôn luôn câu nệ, trói buộc, khiến cho con người suốt đời chẳng thể tùy ý làm được gì, [nay] ai nấy đều được tự tại! Từ nay trở đi chúng ta cùng được hưởng hạnh phúc, tự do, nghĩ đến điều gì đều làm được cả! Cõi đời may sao có bọn ta cải cách, con người may sao được sống cùng thời bọn ta! Tà thuyết như vậy đều do những kẻ bài xích nhân quả ươm thành!
Nếu lý nhân quả được nhà nhà khuyên dạy, giảng giải, cha mẹ dùng đó để dạy con cái, sư trưởng dùng đó để giáo huấn học trò thì có ai chịu diệt lý, rối luân thường, hiện dáng vẻ xấu xí trước gương sáng nữa ư? Chỉ vì bậc đại Nho trong cõi đời thường hay bài xích, kẻ tiểu Nho dẫu biết là sai mười mươi đi nữa, cũng chỉ đành người ta nói sao ta cũng ừ vậy, để khỏi bị mọi người chõ miệng chê bai, khích bác! Nơi trường học đã như vậy thì trong gia đình càng không có lý do gì để bàn đến. Rốt cuộc đến nỗi những kẻ theo tân học hoàn toàn vứt bỏ nhân luân, diệt thiên lý, muốn cho [con người] hoàn toàn chẳng khác gì cầm thú! Mối họa ấy chẳng quy vào những kẻ bài xích nhân quả thì còn quy vào ai nữa đây?
(Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho tác phẩm Kỷ Văn Đạt Công Bút Ký Trích Yếu)