Cõi thứ nhất ở Tứ Không thiên là Không Xứ thiên, sau khi lìa khỏi Sắc Giới thì vào Không Xứ, tâm duyên hư không chẳng có sắc tướng, định này gọi là “hư không định”. Thứ nhì gọi là Thức Xứ thiên, Không cũng xả bỏ, Không và Sắc là hiển hiện tương đối cho nên hư không chẳng chân thật. Họ xả bỏ luôn Không, xả Không rồi vẫn còn Thức tồn tại, chỗ họ duyên vào được đặt tên là Thức Xứ. Thật ra xả Không là chẳng chấp vào Không, chứ không phải thực sự xả bỏ Không. Chẳng còn chấp trước tướng Không, ý niệm Không và Sắc đối lập nhau trong tâm chẳng còn nữa, lúc đó còn Thức, nên gọi là Thức Xứ. Người tu hành đến mức này nếu phát hiện Thức vẫn còn là một chuyện phiền phức, vẫn chưa rốt ráo, Thức chính là Phân Biệt, Phân Biệt cũng xả luôn thì sẽ vào Vô Sở Hữu Xứ thiên, tầng thứ ba ở Vô Sắc Giới. Lúc tu Ðịnh này thì buông xả hết thảy cảnh giới Trong – Ngoài, cảnh giới hai bên Trong – Ngoài đều buông xả, xả bỏ hết nên gọi là Vô Sở Hữu. Ðến tầng cao nhất “Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiên”, vì ngay cả Thức cũng chẳng duyên vào nên gọi là Phi Tưởng; chỗ chẳng khởi tác dụng cũng chẳng duyên vào nên gọi là Phi Phi Tưởng. Phi Tưởng Phi Phi Tưởng là cảnh giới cao nhất trong tam giới. Cách giải thích Phi Tưởng Phi Phi Tưởng rất nhiều, [chư vị] có thể tham khảo cách giải thích trong kinh luận, kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng, một số Phật Học Ðại Tự Ðiển cũng có giải thích rõ, trên đây đã giải thích về Vô Sắc Giới thiên. Phần đông những Học Nhân đến cảnh giới này cho rằng đó là đại Niết Bàn trên quả vị của Như Lai, họ chẳng biết đây là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng thiên, cứ tưởng nhập vào cảnh giới này thì vĩnh viễn chẳng sanh chẳng diệt. Ðâu biết họ còn thọ mạng, thọ mạng của họ chính là công phu định lực, công phu định lực của họ có thể duy trì được bao lâu? Trong kinh nói tám vạn đại kiếp, con số này rất lớn. Tám vạn đại kiếp là gì? Thế giới này trải qua một lần Thành, Trụ, Hoại, Không gọi là một đại kiếp. Trong đại kiếp này có bốn trung kiếp tức là Thành, Trụ, Hoại, Không. Thế giới Sa Bà chúng ta hiện nay đang ở kiếp Trụ. Tám vạn đại kiếp tức là thế giới này Thành, Trụ, Hoại, Không tám vạn lần, họ có công phu định lực sâu như vậy, thọ mạng dài như vậy. Sau tám vạn lần thế giới Thành, Trụ, Hoại, Không thì họ vẫn phải đọa lạc, chẳng thể nâng cao thêm nữa, chỉ có thể đọa xuống. Ðọa lần này thì đọa rất thê thảm! Người ta thường nói trèo cao, té nặng. Kinh Lăng Nghiêm nói người trời Tứ Không đọa xuống, hơn phân nửa là đọa vào địa ngục A Tỳ. Từ nơi cao nhất rớt xuống chỗ thấp nhất, tại sao? Vì báng Phật, báng Pháp, báng Tăng; vì lỗi hủy báng Tam Bảo nên phải đọa địa ngục A Tỳ.
Tại sao họ có ý niệm hủy báng Tam Bảo? Họ tưởng mình đã thành Phật, chứng được đại Niết Bàn, tại sao ngày nay vẫn còn đọa lạc? Trong tâm liền hoài nghi rằng lời chư Phật Như Lai là giả, chẳng phải thật, thế nên đọa lạc. Vì họ hiểu sai, nhận lầm, đó chẳng phải cảnh giới Niết Bàn của Như Lai. Không những chẳng phải quả địa Như Lai, mà cũng chẳng phải
là quả địa Tiểu Thừa, hoàn toàn hiểu lầm.
(Trich luợc: ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ – QUYỂN THƯỢNG
Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không.
(Giới Thiệu Đề Kinh – Biệt Đề – Phẩm Thứ Nhất: Thần Thông Trên Cung Trời Đao Lợi – Tập 5 Tr 102-103)