Chúng ta nhìn thấy hiện nay trên địa cầu thiên tai dồn dập. Ngày ngày lo lắng những thiên tai này, trong tâm nghĩ đến những thiên tai này, vì sao không nghĩ đến Phật A Di Đà, nghĩ đến thiên tai làm gì? Nghĩ đến thiên tai, thiên tai sẽ đến. Nghĩ đến Phật A Di Đà, Phật A Di Đà đến ngay. Quý vị xem rốt cuộc bên nào hay hơn? Học Phật đã nhiều năm nay, đạo lý rõ ràng này cần phải hiểu, đừng suy nghĩ lung tung nữa. Dự ngôn ra sao cũng được, tin tức của linh giới cũng được, chúng ta tiếp xúc hay gặp được, đối với họ cung kinh lễ phép. Trong tâm chỉ có Phật A Di Đà, tuyệt đối không vì lời họ nói mà dao động, như vậy là đúng. Niệm rốt ráo một câu Phật hiệu, như ý kiết tường, pháp hỷ sung mãn, như vậy mới tương ưng với Cực Lạc. Suốt ngày nghĩ đến những việc đâu đâu, vậy là tương ưng với cực khổ chứ không phải Cực Lạc, hoàn toàn sai. Đây là quá trình khẳng định, chúng ta hiện tại không điên đảo, lâm chung không điên đảo, quả thật đều nhờ bổn nguyện Phật A Di Đà gia trì. Ngài đến cứu bạt, bạt là bạt khổ, một câu Phật hiệu bạt trừ tất cả khổ nạn của chúng ta, từ bi cứu tế.
Chúng ta niệm câu A Di Đà Phật này, tuy không phải chánh niệm mà có thể chánh niệm. Chánh niệm là gì? Hết thảy mọi vọng niệm đều không có, đó là chánh niệm. Bây giờ chúng ta niệm Phật A Di Đà, vẫn còn tạp niệm, nhưng chúng ta có thể đem câu A Di Đà Phật này thay thế cho tất cả tạp niệm, đó nghĩa là có thể chánh niệm. Nếu không thay thế được, nghĩa là công phu câu Phật hiệu này không đắc lực, không có hiệu quả, ta phải cố gắng hơn. Cố gắng từ đâu? Từ sự buông bỏ, buông bỏ vạn duyên. Ta còn điều gì chưa buông bỏ, ta còn âu lo, còn vướng bận, có tâm sự, như vậy là không được. Khi lâm mạng chung tuyệt đối không được điên đảo, nếu lâm chung còn điên đảo, như vậy không thể vãng sanh. Bình thường phải huấn luyện nhất tâm bất loạn.
Oai thần bổn nguyện, tổng kết thành một câu Phật hiệu. Một câu Phật hiệu chính là 48 nguyện, phải hiểu đạo lý này, chân tướng sự thật cũng như thế. Một câu A Di Đà Phật là cương lĩnh chung, là tiêu đề chung của 48 nguyện. Ta nắm bắt được nó là nắm bắt được toàn bộ, đều nắm bắt được. Quả thật như Kinh Hoa Nghiêm nói: “một là tất cả, tất cả là một”.
A Di Đà Phật
Trích Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 221
Đại lão Pháp Sư thượng Tịnh hạ Không giảng giải