Gia đình muốn hưng thịnh, phải bắt đầu từ gia quy nghiêm chỉnh. Gia đình gần như tan nát bắt nguồn từ coi nhẹ hoặc phế bỏ gia quy. Muốn con em thành người, phải bắt đầu từ hành vi, việc làm của mình sao cho đúng phép tắc, hòng làm gương cho con em. Lý nhất định phải là như thế! Như nay muốn bắt đầu [giáo dục con em] ít tốn công sức nhất, trước hết, hãy nói về nhân quả báo ứng khiến cho chúng tập thành tánh, mới hòng mai sau chẳng đến nỗi làm càn quá đáng. Đây thật đúng là diệu pháp bậc nhất để tề gia, dạy con, khiến cho đời yên, dân hiền vậy.
Con em có nên người hay chăng, chỉ là do giáo dục trong gia đình. Phàm đối với con cái, ngay từ nhỏ, phải dạy chúng hiếu, đễ, trung, tín, siêng năng, tiết kiệm, ôn hòa, cung kính, để khi chúng lớn lên đi học đọc sách mới có nền tảng để hưởng được lợi ích. Nếu như từ nhỏ đã dung túng thành thói, hãy khoan kể đến những đứa không có thiên tư, không được học hành đàng hoàng; ngay cả những đứa có thiên tư, có học hành đàng hoàng, cũng chỉ thành thợ gọt giũa chữ nghĩa, thành kẻ bại hoại trong cửa Nho mà thôi! Đời có kẻ tài ngang Bắc Đẩu, học rộng năm xe, nhưng hành vi, việc làm toàn là ỷ mình thông minh, độc hại sanh linh, hủy diệt đạo nghĩa. Những hạng ấy vốn là do từ thuở đầu đã thiếu sự giáo dục trong gia đình mà nên nỗi.
Văn Vương nêu gương khiến từ vợ ông ta cho đến anh em đều nói theo, cho đến khắp cả nước, nên giữ vững gia đình, đất nước; cũng như sách Đại Học nói muốn trị thiên hạ và quốc gia thì phải bắt đầu từ “cách vật trí tri, thành ý chánh tâm”, đều vì cùng một mục đích. Đấy chính là bí quyết vô thượng để dạy con người trở thành thánh, thành Hiền của đạo Nho. Bỏ điều này, cầu lấy điều khác, đều toàn là tìm tòi nơi cái ngọn vậy!
(Trích: Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, mục IX: Khuyên nhủ các thiện tín tại gia, Luận về giáo dục gia đình)