Bên dưới lại đưa ra thêm một cách nói nữa, ông đưa ra một ví dụ: “Xưa có một cô gái đến chùa”. Đây là nói trước đây có một cô gái trong gia đình nọ đến chùa. “Muốn cúng dường nhưng lại không có tiền. Cô chỉ có hai xu tiền, liền đem ra cúng hết. Vị tăng trụ trì thấy vậy bèn đích thân ra làm lễ sám hối cho cô”. Đây là một cô gái nghèo, trên người chỉ có hai xu tiền, cô đem hai xu tiền này cúng dường cho chùa. Trụ trì của chùa, “chủ tịch” chính là hòa thượng trụ trì, đích thân ra tụng kinh sám hối cho cô.
“Về sau, cô được tuyển vào cung vua, được thọ hưởng phú quý. Sau đó, cô lại mang mấy ngàn lượng bạc đến chùa cúng dường”. Mấy năm sau, cô gái này được tuyển vào cung làm phi tần, hưởng thụ phú quý của nhân gian. Cô mang “mấy ngàn lượng bạc đến chùa cúng dường”, lần này cô đến chùa đại khái là để hoàn nguyện. Lúc trẻ thường đến chùa này thắp hương cầu nguyện, đời này quả nhiên được phú quý. Cô trở lại chùa thắp hương, đem theo rất nhiều tài vật để bố thí.
“Hòa thượng trụ trì chỉ bảo đồ đệ ra làm lễ hồi hướng cho cô mà thôi”. Vị hòa thượng trụ trì này không đích thân hồi hướng cho cô, chỉ bảo đệ tử thay mình ra làm lễ hồi hướng cho cô là được rồi. “Cô không hiểu, hỏi rằng”. Cô gái này hỏi. “Trước đây con chỉ cúng dường hai xu tiền nhưng lại được thầy đích thân làm lễ sám hối”. Cô nói, trước đây lúc con còn trẻ đến đây, con cúng dường hai xu tiền, thầy lại đích thân ra sám hối cho con. “Nay con cúng dường cả ngàn lượng bạc nhưng thầy lại không ra làm lễ hồi hướng, là vì sao vậy?” Hôm nay con đến đây, mang theo mấy ngàn lạng bạc để cúng dường, nhưng thầy lại không hồi hướng cho con, như vậy là vì sao?
“Hòa thượng nói”. Lão hòa thượng nói rằng: “Trước đây, tiền tuy ít nhưng tâm cúng dường của cô chân thành. Nếu lão tăng không đích thân ra sám hối thì không đủ báo đáp công đức ấy của cô. Nay tài vật tuy nhiều nhưng tâm cúng dường không được chí thiết như trước nữa”. Trước đây, cô đến chùa thắp hương lạy Phật cúng dường hai xu tiền, nhưng tâm cô chân thành. Tôi không đích thân sám hối cho cô, thì không thể báo đáp được công đức của cô. Hôm nay, tuy cô đem rất nhiều tài vật đến cúng dường, nhưng tâm cô không chân thành, khẩn thiết như trước đây nữa. “Nên bảo đồ đệ thay tôi ra làm lễ sám hối là được rồi”. Tôi bảo đệ tử thay tôi ra sám hối cho cô là được rồi. Chúng ta cần suy nghĩ tường tận tỉ mỉ điều này.
“Cho nên ngàn lượng bạc này là một phần, còn hai xu tiền kia là viên mãn” Việc thiện này là chân tâm, bố thí tuy ít nhưng phước thiện mà cô đạt được là viên mãn. Không thành tâm, khi cô làm quý phi, tục ngữ thường nói được làm nương nương, khó tránh khỏi mang theo tập khí cống cao ngã mạn của người phú quý, nên công đức của cô bị tổn giảm. Lúc này cô đến lễ Phật, có quân lính đi trước dẹp đường, theo sau hộ vệ, cống cao ngã mạn. Trên thực tế, phước mà cô tu mới chỉ có thiện một phần mà thôi.
(Trích: Liễu Phàm Tứ Huấn, tập 15)