“Thấy kẻ thiện nam, thiện nữ quy kính cúng dường, tán thán, chiêm lễ hình tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng, mà vọng sanh khinh chê là không có công đức cùng sự lợi ích …” Có những ác nhân, ác thần hoặc ác quỷ trông thấy người ta chiêm ngưỡng đảnh lễ hình tượng Bồ Tát thì lại buông lời miệt thị: “Ôi! Các ông các bà còn mê tín quá nhỉ! Cứ dập đầu quỳ lạy mấy cái tượng đất, tượng gỗ đó thì được cái gì chớ? Chẳng được chút công đức nào đâu, các người đừng tin nhảm nữa!”; hoặc lại chế nhạo: “Các ông các bà cứ khom lên khom xuống lạy lục mấy ông phỗng đó để làm gì?” Giống như hiện tại ở nơi này chẳng hạn, cũng có một số ngoại đạo khăng khăng cho rằng việc Phật Giáo lễ bái tượng gỗ là không có công đức – đó cũng là dèm pha, hủy báng vậy.
“Hoặc nhăn răng ra cười.” Những kẻ ác đó thấy quý vị lạy Phật thì lại nhe răng cười chế giễu, tỏ vẻ khinh thường, cho rằng quý vị quá mê tín. “Nhăn răng ra cười” tức là lúc trông thấy quý vị đang lạy Phật thì kẻ ấy liền cười chế nhạo ngay trước mặt quý vị.
“Hoặc chê sau lưng.” Có khi, những kẻ ác ấy không chê cười trước mặt quý vị, mà đợi quý vị đi khuất rồi, họ mới nhỏ to phê bình: “Mấy người ở Phật Giáo Giảng Ðường thật là quá mê tín! Tôi thấy họ cứ mặc áo tràng vào, khoác thêm cái y, rồi chúi mũi lạy Phật và lầm rầm tụng Kinh tụng Chú suốt ngày suốt đêm; chẳng hiểu họ đang làm cái gì và làm như thế thì có lý thú gì chứ?” Chê trách, nói lời xúc phạm kẻ vắng mặt như thế gọi là “chê sau lưng.”
Hoặc những kẻ ác đó lại dèm pha, nói rằng mọi việc của quý vị đều là không đúng, và họ xầm xì với nhau: “Tu Ðạo một mình thì cần gì phải lạy Phật? Lạy Phật có tác dụng gì? Nếu dùng thời gian đó để ngủ thêm thì tốt biết mấy!” Ðó là phê bình, “chê sau lưng” vậy.
“Hoặc khuyên bảo người khác cùng chê.” Hoặc kẻ ác ấy chẳng những chính mình chê bai mà còn rủ rê, xúi xiểm nhiều người khác đừng đi tụng Kinh: “Tụng Kinh có gì tốt đâu? Quý vị đừng đi lễ Phật, cũng đừng đi nghe Kinh nữa! Thay vì đi nghe giảng Kinh thì quý vị dùng thì giờ đó để uống một liều LSD, quý vị sẽ có cảm giác lâng lâng bay bổng, mơ màng tưởng chừng như mình đang ở thế giới Cực Lạc vậy; cần gì phải tin vào những việc kia?” Ðây chính là “khuyên bảo người khác cùng chê,” xúi giục người khác làm sai giống mình, về cùng phe với mình.
Ví dụ, trong đoàn thể Phật Giáo có một người nọ không tuân giữ quy củ; biết là mình yếu thế, cho nên ông ta muốn kiếm một người cũng không giữ quy củ như mình làm “đồng minh,” để dễ biện hộ cho hành vi sai trái của mình. Bởi nếu bị chỉ trích, thì ông ta sẽ bào chữa rằng: “Thì người khác cũng như vậy cơ mà!” Có “đồng đảng” thì dù sao cũng có ưu thế hơn!
“Hoặc một người chê, hoặc nhiều người chê.” Hoặc chỉ đơn độc một người đi khắp nơi rêu rao phá hoại, hoặc nhiều người tụ tập lại một chỗ rồi cùng nhau chỉ trích, chê bai.
“Cho đến sanh lòng chê bai trong chừng một niệm.” Không cần phải lúc nào cũng chê bai mà chỉ trong một niệm, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tâm tư chợt dấy lên ý tưởng giễu cợt, phỉ báng.
“Những kẻ như thế, những kẻ nhăn răng ra cười, hoặc chê sau lưng, hoặc một mình chê, hoặc cùng người khác chê, hoặc cùng nhiều người chê, và mặc dù chỉ sanh lòng chê bai trong một niệm ngắn ngủi mà thôi, thì sau khi một ngàn đức Phật trong Hiền Kiếp diệt độ cả, vì tội báo khinh chê nên vẫn còn ở trong địa ngục A Tỳ chịu tội cực nặng.”
Kỳ kiếp hiện tại của chúng ta gọi là Hiền Kiếp; vì sao gọi là Hiền Kiếp? Bởi vì trong thời kỳ này có rất nhiều bậc Thánh Hiền – thánh nhân, hiền nhân – xuất hiện ở thế gian. Kỳ Hiền Kiếp có một ngàn (1.000) đức Phật xuất thế, trong đó, Phật Thích Ca Mâu Ni là đức Phật thứ tư; như vậy là còn chín trăm chín mươi sáu (996) đức Phật nữa sẽ xuất thế. Sau khi có một đức Phật xuất thế, phải qua một thời kỳ rất lâu rất dài mới lại có một đức Phật nữa xuất thế; do đó nếu phải đợi cho đến khi chín trăm chín mươi sáu đức Phật đều xuất thế và diệt độ cả, thì thời gian chờ đợi dài biết chừng nào! Vậy mà trải qua suốt kỳ kiếp dài đăng đẳng đó, những kẻ mắc tội báo khinh chê phá hoại Phật Pháp vẫn còn phải thọ tội ở địa ngục A Tỳ.
Quý vị nên biết rằng một ngày một đêm của thế giới chúng ta đang sống thì lâu bằng sáu mươi (60) tiểu kiếp ở địa ngục A Tỳ. Lại nữa, năm mươi (50) năm ở nhân gian thì đối với cõi trời Tứ Thiên Vương chỉ là một ngày một đêm; và một trăm (100) năm ở nhân gian chỉ bằng một ngày một đêm ở cung trời Ðao Lợi.
Thế thì, vì sao một ngày một đêm của chốn nhân gian lại tương đương với sáu mươi tiểu kiếp của địa ngục A Tỳ? Con người, nếu hôm nào trong lòng vui vẻ thì cảm thấy một ngày rất ngắn ngủi, thời gian trôi qua rất nhanh; trái lại, nếu ngày nào ưu tư lo lắng, gặp việc không ưng ý, phải chờ đợi một ai đó hoặc đang trông mong điều gì đó, thì lại cảm thấy ngày dài lê thê, thời gian sao đi quá chậm! Từ đó suy ra thì chúng ta cũng có thể biết được do đâu mà một ngày một đêm ở nhân gian lại bằng sáu mươi tiểu kiếp ở địa ngục – bởi ở địa ngục quá đau khổ; khi sống trong sự thống khổ thì người ta thường cảm thấy thời gian đi chậm quá, ngày dài quá, còn lúc hưởng thụ sung sướng thì lại thấy thời gian trôi qua vùn vụt!
“Qua khỏi kiếp này xong, mới thọ thân ngạ quỷ.” Sau khi đã chịu tội ở địa ngục A Tỳ trong suốt kỳ Hiền Kiếp một ngàn đức Phật xuất thế rồi, những kẻ ác mắc tội báo phá hoại Phật Pháp đó lại phải đi làm thân ngạ quỷ.
“Rồi mãi đến một ngàn kiếp sau mới thọ thân súc sanh. Lại phải trải qua một ngàn kiếp nữa mới được thân người.” Sau một ngàn kiếp làm ngạ quỷ thì họ được làm thân súc sanh. Làm súc sanh thì cứ sinh ra rồi chết, chết rồi lại sinh ra, luẩn quẩn trong suốt một ngàn kiếp như thế rồi mới được đầu thai làm người. Tuy nhiên, “dầu thọ thân người, nhưng là hạng bần cùng hạ tiện.” Bấy giờ, mặc dù được mang thân người, nhưng lại thế nào? Lại thuộc hạng nghèo hèn, thấp kém trong xã hội.
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát