Có một vị đồng học do đọc được trên sách báo một công án trong nhà Phật nói về một vị Tỳ Kheo tụng Kinh, có một tiểu Sa Di nghe được liền cười ông ấy tiếng tụng Kinh không hay, giống như tiếng chó sủa vậy. Đây là tiểu Sa Di chê bai vị Tỳ Kheo tụng Kinh giống như tiếng chó sủa. Vị Tỳ Kheo già liền nói với tiểu Sa Di rằng:
– ” Ta đã chứng đắc quả A La Hán rồi, ngươi đây là đang tạo khẩu nghiệp, tương lai nhất định phải chịu ác báo”.
Tiểu Sa Di nghe xong thì sợ hãi liền phát tâm sám hối. Sau khi tiểu Sa Di này chết đi do thành tâm sám hối tội lỗi nên không phải đọa vào địa ngục để chịu tội, nhưng vẫn phải đi vào đường súc sanh để đọa làm thân chó. Vị đồng tu này sau khi xem xong, cảm thấy khó hiểu nên đến hỏi tôi:
– ” Người thế gian thường có câu: “Người không biết thì không có tội”, vậy sao tiểu Sa Di lại phải chịu quả báo nặng nề như thế?”.
Thật ra câu nói: “Người không biết thì không có tội” này chỉ là pháp thế gian mà thôi, không phải là Phật pháp. Sao gọi là pháp thế gian? Vì từ trong quan niệm của người thế gian mà hình thành ra. Trong pháp thế gian có thể lấy công để chuộc tội, nhưng trong Nhân – Quả báo ứng thì không thể, không thể lấy công mà chuộc tội được. Vì thế thiện – ác đến cuối cùng nhất định đều có báo ứng của nó. Chẳng thể nói trước đây tôi đã gây tạo nhiều tội lỗi, nay tôi đã làm được rất nhiều việc thiện thì những ác nghiệp kia của tôi sẽ không báo nữa, không có cái đạo lý như vậy, điều này nếu nói trên định luật Nhân-Quả thì quả thật là nói không thông.
Ở trong Phật pháp, nếu do vì không biết nên phạm phải tội, tội này thì tương đối nhẹ nên chỉ đọa vào cõi súc sanh mà thôi, không phải chịu nổi khổ trong địa ngục. Còn nếu như đã biết rồi mà còn cố phạm vậy thì tội này rất nặng, sau khi chết đi nhất định là đọa vào điạ ngục A Tỳ.
Chúng ta phải biết rằng, trong tất cả các nghiệp tội con người chúng ta rất dễ dàng phạm phải nhất chính là khẩu nghiệp. Thường thường trong lúc tạo nghiệp bản thân mỗi người đều không hay biết, cứ luôn cho rằng: “Lời nói gió bay” nên chẳng mấy ai chịu quan tâm xét suy những gì mình đã nói, đang nói và sẽ nói. Mà không biết rằng, lời nói tuy rằng là gió bay nhưng nghiệp mà chúng ta tạo đó sẽ vĩnh viễn không bay mất cho đến khi chúng ta trả xong nghiệp báo mới thôi.
Cho nên, chúng ta cần phải khéo giữ lấy khẩu nghiệp của chính mình. Trăm ngàn lần chớ nên cho rằng những gì chúng ta nói hằng ngày đó đều sẽ không sao, sẽ không có quả báo, để rồi mặc tình phóng túng muốn nói sao thì nói, muốn nhạo báng ai thì nhạo báng, đến cuối cùng chỉ là chiêu cảm lấy ác báo khổ đau cho mình mà thôi.
A Di Đà Phật!
– Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không-