Bất kể tu học pháp môn nào, đều phải lấy “tịnh nghiệp tam phước” làm cơ sở! không có cơ sở này, cho dù tu pháp môn nào cũng không thể thành tựu, giống như xây nhà vậy, đây là xây nền móng. bạn không có nền móng tốt, thì bạn làm sao có thể xây nhà được? đạo lý này không được phép không biết.
Niệm chánh đạo, niệm trợ đạo. Tịnh Tông Học Hội thành lập, chúng tôi từ trong Kinh luận chọn ra năm môn tu học. Bởi vì tu hành càng đơn giản càng tốt, quyết không được phép quá tạp. Nhiều mà tạp thì không thể thu được hiệu quả, nhất định phải tinh giản, cho nên chúng tôi đã lựa chọn ra năm môn. Môn thứ nhất chính là “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, chọn ra từ trong Kinh Quán Vô lượng Thọ. Đây là môn học vô cùng quan trọng, chúng ta phải thường niệm. Đây là đại căn bản của tu hành, bất kể tu học pháp môn nào, Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ, vô lượng pháp môn đều bắt rễ từ trên nền tảng này.
“Tịnh Nghiệp Tam Phước” có ba điều, mười một câu, tôi đem nó phân phối vào Thực Báo Độ, Phương Tiện Độ, Đồng Cư Độ.
Điều thứ nhất: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”.
Nếu không làm được điều này thì chắc chắn không thể vãng sanh. Chánh – Trợ song tu. Chánh tu, trong Kinh A Di Đà nói là “chấp trì danh hiệu”, “nhất tâm bất loạn”, đây là chánh tu. Hai câu nói này trong Kinh Di Đà chính là nguyện thứ mười tám của Kinh Vô Lượng Thọ, chúng tôi dùng hai câu này làm chánh tu. Thế nhưng chánh tu cần phải trợ hành. Tại sao vậy? Không có trợ tu thì chánh tu của bạn chắc chắn không thể thành tựu. Hay nói cách khác, trợ là trợ chánh, không có trợ thì cái chánh đó biến thành nghiêng lệch rồi.
Đại đức xưa có đề xướng “Bổn Nguyện Niệm Phật”. Hiện nay Nhật Bản tuyên truyền “Bổn Nguyện Niệm Phật” có sai lầm, họ chỉ biết một, chứ không biết hai. Họ cho rằng, chỉ có trì nguyện thứ 18, một câu Phật hiệu này là có thể vãng sanh. Sai rồi! Đây chính là giải thích sai nghĩa Kinh, chúng ta gọi là “lấy nghĩa cục bộ”. Họ không biết, mỗi một câu Kinh văn trong Kinh Vô Lượng Thọ đều bao gồm toàn bộ Kinh điển. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Một tức tất cả, tất cả tức một”. Bất kỳ một nguyện nào trong bốn mươi tám nguyện cũng bao gồm bốn mươi bảy nguyện khác, thì một nguyện đó mới là viên mãn. Nguyện thứ 18 làm chủ, nếu nó không thể bao gồm 47 nguyện khác thì nguyện thứ 18 có khiếm khuyết, không viên mãn. Đạo lý này họ đã sơ suất rồi. Cho nên, người hiện nay nói “Bổn Nguyện Niệm Phật” không phải lời mà tổ sư đại đức xưa nay đã nói, dùng danh xưng thì giống người xưa, nhưng nội dung hoàn toàn khác nhau, cho nên hiệu quả đương nhiên không giống nhau.
Vì vậy, giáo không thể không thâm nhập nghiên cứu. Tổ sư đại đức thường hay dạy chúng ta thâm nhập Kinh tạng, nếu bạn không thâm nhập thì sẽ luôn luôn hiểu sai ý nghĩa. Bản thân không được lợi ích, theo tình thì có thể tha thứ, bạn không được trách người khác. Nếu như bạn ảnh hưởng đến người khác, khiến họ cũng không được lợi ích, vậy bạn đã có tội rồi. Đạo lý này không khó hiểu. Cho nên, bất kể tu học pháp môn nào, phải lấy “Tịnh Nghiệp Tam Phước” làm cơ sở. Không có cơ sở này, cho dù tu pháp môn nào cũng không thể thành tựu, giống như xây nhà vậy, đây là xây nền móng. Bạn không có nền móng tốt, thì bạn làm sao có thể xây nhà được? Đạo lý này không được phép không biết.
Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát đều thể hiện trong thập thiện nghiệp. Thập thiện nghiệp nếu như không thể làm được thì ba câu phía trước đều là nói suông. Dùng cái gì để hiếu dưỡng phụ mẫu? Phải tu thập thiện nghiệp, cha mẹ bạn sẽ hoan hỷ: “Con cái của tôi là người thiện”. Tu thập thiện nghiệp mới là phụng sự sư trưởng chân thật, thầy cô hoan hỷ: “Học trò của tôi là người thiện”. Xa lìa thập thiện thì hiếu thân tôn sư là hữu danh, vô thực. Cho nên, nếu một điều này làm được rồi và nhất tâm niệm Phật cầu nguyện vãng sanh, thì nhất định sanh Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Ở trong Phàm Thánh Đồng Cư Độ có tam bối, cửu phẩm, đó là xem bạn công phu sâu cạn. Công phu sâu cạn, chánh trợ hai bên đều có.
Điều thứ hai: “Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi”.
Đây là từ điều thứ nhất tiến bộ thêm đến điều thứ hai. Ở trong điều thứ hai chắc chắn bao gồm điều thứ nhất. Hay nói cách khác, bạn có thể làm được bảy câu, từ “Hiếu dưỡng phụ mẫu” đến “Cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi”, và niệm Phật vãng sanh thì sanh về Phương Tiện Hữu Dư Độ. Không giống nhau!
Điều thứ ba: “Phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại thừa, khuyến tấn hành giả”
Nếu như bạn có thể làm được thêm bốn câu này thì nhất định bạn được vãng sanh về Thực Báo Trang Nghiêm Độ. Cách giảng của tôi là như vậy.
“Tịnh Nghiệp Tam Phước” vừa là trợ tu, vừa là chánh tu. Nếu bạn thật sự khế nhập cảnh giới, thì chánh – trợ là một, không phải hai. Niệm Phật như thế nào? Bạn có thể làm được những điều này rồi thì cũng gọi là niệm Phật. “Hiếu dưỡng phụ mẫu” là niệm Phật, “Phụng sự sư trưởng” là niệm Phật, “Từ tâm bất sát” là niệm Phật, “Tu thập thiện nghiệp” là niệm Phật, từng câu từng chữ đều là niệm Phật. Đây gọi là “Niệm chánh trợ đạo”. Ngay tại đây và bây giờ, nhất định không có “thất niệm” (“thất niệm” tức là quên mất rồi).
Người sơ học luôn luôn không thể tránh khỏi thường xuyên thất niệm, cho nên mỗi ngày phải tu sám hối. Tại sao ý niệm này mà ta quên mất vậy? Từng giây, từng phút phải nhắc nhở mình. Cho nên, tại sao người niệm Phật phải đeo tràng hạt, hay trên tay phải cầm tràng hạt vậy? Dụng ý của tràng hạt chính là nhắc nhở mình không được thất niệm. Vừa nhìn thấy tràng hạt này, lập tức liền nhớ đến. Đây là tác dụng rất lớn của tràng hạt. Tràng hạt không chỉ là nhớ số lần, điều quan trọng nhất là nhắc nhở mình chánh niệm. Không những phải thường xuyên nhắc nhở mình, thật sự ra mà nói, hoàn cảnh xung quanh chúng ta, mọi người nhìn thấy tràng hạt này, họ cũng biết niệm Phật, họ sẽ động đến ý nghĩ này. Không nhất định là họ có biết niệm hay không, nhưng họ sẽ khởi lên ý nghĩ này. Ý nghĩ này là ý nghĩ tốt. Ngoài ra còn có quỷ thần mà mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy, quỷ thần nhìn thấy tràng hạt này của bạn cũng đã nhắc nhở họ niệm Phật. Âm dương lợi đôi đường. Cho nên, người niệm Phật mang tràng hạt có lợi ích rất lớn, lợi ích rất nhiều, đó là nhắc nhở tất cả chúng sanh chánh niệm. Chúng ta phải biết được đạo lý này.
(Trích: Phật Thuyết Thập Thiện Nghiêp Đạo Kinh giảng giải, tập 74)