Tỷ như anh mới mua được một chiếc áo rất tốt, chất liệu rất tốt, kiểu áo cũng rất đẹp, khi anh mặc vào cảm thấy rất thích. Tuy nhiên đến khi anh ngồi thì không dám liền ngồi xuống mà luôn phải nhìn xem xem chổ ngồi đó có dơ hay là không, có ướt hay là không, rồi liền đem cái ghế đó lau qua cho thật sạch rồi mới ngồi xuống. Đây là anh sợ cái gì vậy? Sợ quần áo của mình bị dính dơ, vậy thì tâm của anh đã bị quần áo cột chặt lấy rồi, khiến cho anh chẳng thể tự tại. Việc mặc áo này của anh trong nhà Phật gọi là hạ liệt nghiệp. Vì sao vậy? Vì anh chẳng phải đang mặc quần áo mà là anh đang hầu hạ quần áo, anh là nô lệ của quần áo, là quần áo đang mặc anh chứ anh chẳng có mặc quần áo.
Nếu như anh nhận ra rằng, ta mặc quần áo thì ta chính là chủ nhân của quần áo, chổ ngồi dù có dơ hơn đi nữa thì cứ ngồi xuống trước đi cái đã, lỡ như có bị dơ thì cũng là y phục dơ, chẳng phải ta dơ, việc này cùng ta nào có can hệ gì. Vậy thì là anh đã giác ngộ rồi đó, khi đó thì anh liền được tự tại. Việc mặc y phục này của anh trong nhà Phật gọi là thanh tịnh nghiệp, là thù thắng nghiệp.
Đến như việc anh ăn cơm, anh luôn đặt nặng sắc-hương-vị, mâm cơm bày ra phải có thật nhiều đồ ăn, món nào cũng phải thật ngon, thật tươi mới như vậy khi ăn anh mới cảm thấy ngon miệng, còn nếu như đồ ăn quá thanh đạm, nhìn không bắt mắt, không ngon thì anh liền ăn không nổi, nuốt không vô, trông anh thật là khổ sở quá chừng. Đây thì đâu phải là anh đang ăn cơm, mà là cơm đang ăn nuốt lấy anh đấy, anh là đang làm nô lệ cho sự tham đồ hưởng thụ của chính mình. Tâm anh đã bị đồ ăn ngon, bị nhu cầu ăn uống của chính mình cột chặt rồi, tâm anh làm sao mà thanh tịnh cho được. Việc ăn cơm này trong nhà Phật cũng gọi là hạ liệt nghiệp.
Nếu như anh nhận ra được rằng, việc ăn uống chẳng qua chỉ để giúp ta duy trì sự sống mà thôi, thức ăn dù có đơn giản, dù có không được ngon mắt lắm thì cũng không sao, chỉ cần có thể no bụng là được rồi. Vậy thì xin chúc mừng anh, anh đã giác ngộ rồi đó. Lúc này tâm anh liền có thể đạt được tự tại, liền có thể đạt được được sự thanh tịnh trong nội tâm. Nhà Phật gọi việc ăn uống này là thanh tịnh nghiệp.
Chúng ta tu hành mục đích là gì? Là để khai trí tuệ. Trí tuệ từ đâu mà khai phát ra? Từ trong tâm thanh tịnh của chính mình khai phát ra. Cho nên, việc tu tâm thanh tịnh hết sức quan trọng. Vậy phải bắt đầu từ đâu mà tu tâm thanh tịnh? Từ trong đời sống thực tại của chính mình, bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như mặc áo ăn cơm mà bắt đầu. Bắt đầu như thế nào? Dù là mặc áo hay là ăn cơm thì chính mình cần phải làm chủ lấy, quyết định không đi làm nô lệ cho áo quần thức ăn, càng không đi làm nô lệ cho sự tham đồ hưởng thụ của chính mình. Nói một cách khác, phàm là việc gì có thể dẫn khởi thất tình lục dục trong anh thì quyết không làm, vậy thì đúng rồi.
Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không
HOAN NGHÊNH CHIA SẺ TUYÊN LƯU PHẬT PHÁP