Phàm là người tu pháp môn Tịnh Độ đều biết rằng tu hành trong pháp môn này đều quý nhất chính là Nhất Tâm. Nếu tâm không chuyên nhất thì miệng tuy niệm Phật nhưng mắt hết nhìn đông, tai lại nghe tây, câu Phật hiệu chỉ có thể dừng nơi cửa miệng mà thôi, chứ không có cách nào đi vào tâm được.
Niệm Phật cách này chẳng những hiện tại khô hơi, khảng tiếng một cách vô ích, mà tương lai đến khi Phật Di Lặc ra đời thì nghiệp chướng vẫn còn ràng buộc nơi thân.
Chúng ta phải biết rằng, dù là trong Phật pháp hay là thế gian pháp cũng đều như nhau, nếu chẳng chú tâm khi làm việc thì đối với pháp thế gian việc gì cũng chẳng thể làm tốt, huống chi là tu học Phật pháp.
Người tu Tịnh Độ khi tự mình khởi niệm câu A Di Đà Phật, hãy cố gắng chú tâm tìm xem một niệm A Di Đà Phật này phát khởi từ đâu, là từ đâu mà phát khởi lên một niệm này.
Nên biết rằng, một niệm A Di Đà Phật này chẳng phải khởi từ miệng, cũng chẳng phải khởi từ thân, mà một niệm này là khởi ra từ tâm, tức là từ tâm khởi lên một niệm.
Nếu một niệm A Di Đà Phật này khởi ra từ miệng hoặc từ nhục thân chúng ta, vậy thì sau khi chết đi miệng và thân vẫn còn đó nhưng sao lại không niệm Phật được.
Ta hãy nhìn thẳng vào cái tâm đang niệm Phật này của mình, giống như là mèo đang rình chuột vậy. Tập trung tất cả tinh thần, lực chú ý của chính mình vào cái tâm đang niệm Phật này, vậy thì sẽ chẳng sanh khởi bất cứ ý niệm nào khác, tâm sẽ chuyên nhất.
Hãy cứ bền lòng mà quan sát, mà lắng nghe cái tâm đang niệm Phật của chính mình, trăm ngàn lần đừng vì mong muốn sớm ngày thành tựu mà gấp gáp, vì như thế sẽ dễ dàng phát sinh chướng ngại.
Chướng ngại gì vậy? Tâm niệm Phật khi đó liên tục bị cái ý niệm gấp gáp muốn mau thành tựu này quấy nhiễu, khiến cho từng câu Phật hiệu niệm ra không còn thuần nhất, mà đã bị cái ý niệm gấp gáp này xen tạp vào, tâm sẽ trở nên quá sức nặng nề vì áp lực, vì tạp niệm nên rất khó nhiếp tâm, càng không có cách nào đi đến Nhất Tâm được, chướng ngại ở đây chính là như vậy.
Trong tất cả thời đi, đứng, nằm, ngồi tứ oai nghi chỉ trừ lúc cần phải dụng tâm mà làm việc ra thì ta cần phải thường xuyên quán sát, thường xuyên lắng nghe cái tâm đang niệm Phật của chính mình, chớ nên biếng trễ. Công phu lâu ngày sẽ dần đi đến chỗ thâm sâu như quả chín trên cây vậy, thì khi nhân duyên đến vừa đụng đến quả liền rụng, tức đột nhiên đại ngộ. Lúc ấy như người uống nước nóng-lạnh tự biết, liền đạt đến nơi vô ngại.
HÒA THƯỢNG HƯ VÂN