Chúng ta không nên ăn ngũ vị tân là vì Đức Phật nói trong Kinh Lăng Nghiêm nếu ăn ngũ tân chín thì sanh lòng dâm dục, ăn sống thì tăng thêm sân hận. cho nên bạn chân thật phát tâm tu học thì không nên ăn những thứ này để bảo vệ tánh tình và sinh lý của chính mình.
Kinh văn:
Sanh lòng trân trọng, cữ ngũ tân,
Rượu, thịt, tà dâm, cùng vọng ngữ.
Hăm mốt ngày liền chớ sát sanh,
Chí tâm nhớ tưởng Đại Sĩ danh.
Ðây là nói bạn chuyên tu, khắc kỳ cầu chứng (định kỳ hạn, cầu được chứng nghiệm), phải tu pháp này ba tuần hai mươi mốt ngày, trong thời gian này phải phát tâm ân cần tôn trọng, cữ ngũ tân. Phía trước trong chú giải có nói về ngũ tân, nơi đây lược bớt, nơi đây trích dẫn kinh Lăng Nghiêm để nói tại sao phải cữ ngũ tân, câu cuối trong hàng thứ nhất trong Chú Giải “Lăng Nghiêm vân, thục thực phát dâm, sanh đạm tăng khuể” (Kinh Lăng Nghiêm dạy nếu ăn [ngũ tân] chín thì sanh lòng dâm, ăn sống thì tăng thêm sân giận), đây là lời đức Phật dạy cho người sơ học, tại sao?
Những thứ này có chướng ngại cho cơ thể, là đạo lý như vậy. Nếu chúng ta muốn giảm bớt chướng ngại, thì đối với thức ăn không thể không lựa chọn. Nhưng phải biết năm xưa lúc Thế Tôn còn tại thế các ngài đi trì bình khất thực, khi khất thực người ta cho cái gì thì ăn cái đó, tuyệt đối không có phân biệt chấp trước. Lúc bạn đi trì bình những người cúng dường này chưa chắc đều là người học Phật, chưa chắc đã hiểu Phật pháp, cho nên họ cúng dường món gì thì ăn món đó. Nhưng khi thật sự tu hành thì chúng ta không thể không lưu ý. Ngày nay người trong thế gian nói tới việc ăn uống chỉ chú trọng vệ sinh, sinh là sinh lý 2[2], cữ ngũ tân là bảo vệ sinh lý, không những là sinh lý mà còn là tánh tình, chỉ có người chú trọng việc bảo vệ sinh lý chứ [những người chú trọng] bảo vệ tánh tình thì không nhiều. Người chú trọng vệ sinh thì rất nhiều, rất phổ biến, còn người biết bảo vệ tánh tình thì rất ít. Tính chất của ngũ tân không tốt, sẽ ảnh hưởng tâm tình của chúng ta, ăn chín thì nó sẽ giúp cho hormone, sẽ dẫn tới việc xung động tình dục, phát dâm, đây là nói khi ăn chín; khi ăn sống thì dễ sanh hỏa từ gan, ưa nóng nảy, là vì lý do này. Tại sao đức Phật dạy không được ăn năm thứ này, đạo lý là như vậy. Trong kinh Hoa Nghiêm có nói “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, năm thứ này có trở ngại hay không? Năm thứ này cũng chẳng trở ngại, nhưng vì công phu của bạn chưa đủ, công phu chưa tới thì nó sẽ gây trở ngại cho bạn, nếu bạn có công phu thật sự thì nó sẽ chẳng gây trở ngại; đây là điều chúng ta phải biết, phải cữ ngũ tân.
Sau đó nói tới “tửu” nhục (rượu thịt) là chất tanh hôi (huân tinh), đây là giải thích việc ăn chay. “Tà dâm cập vọng ngữ”, câu này là nói về mười nghiệp thiện, nhất định phải đoạn dứt mười nghiệp ác, tu mười nghiệp thiện, trong vòng ba tuần, 21 ngày trì giới niệm Phật, ở đây nói niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát. Nói cách khác ngày nay gọi là đả Địa Tạng thất, thời gian Địa Tạng thất kéo dài ba tuần, 21 ngày, chuyên trì danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát. Chữ then chốt quan trọng ở đây là “chí tâm tư niệm”, chẳng phải niệm bằng miệng, tâm phải chân thành tới cùng cực. Niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, danh hiệu tương ứng với đức hạnh thì bạn niệm sẽ được tương ứng. Niệm danh hiệu liền nghĩ tới đức hạnh, chẳng phải là niệm suông câu danh hiệu này, phải nghĩ tới hành nghị của Địa Tạng Bồ Tát, lòng từ bi của ngài, lời dạy của ngài. Nghe danh hiệu Bồ Tát, bạn phải nhắc nhở chính mình, nhìn thấy hình tượng cũng phải nghĩ tới, chúng ta phải y giáo phụng hành, như vậy mới tương ứng.
Cổ đức dạy “một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”, bạn phải niệm tới tương ứng. Nếu khi niệm danh hiệu của Bồ Tát mà cứ khởi vọng tưởng như cũ, vẫn tạo tội nghiệp như cũ thì niệm để làm chi? Ngày xưa Hàn Sơn Thập Đắc chê cười những vị tăng ở chùa Quốc Thanh rằng “hét bể cổ họng cũng uổng công”, vì sao vậy? Vì không tương ứng. Phải niệm tới tương ứng! Từ danh hiệu nhất định phải nghĩ tới Giáo Lý Hạnh Quả, đó là chánh niệm, cho nên khi niệm danh hiệu này, trong đó có đầy đủ Tín Giải Hành Chứng, bạn nghĩ coi công đức này bao lớn. Nếu niệm câu danh hiệu này chẳng liên quan gì tới Tín Giải Hành Chứng thì “hét bể cổ họng cũng uổng công”. Bất luận tu học pháp môn nào chúng ta cũng phải hiểu rõ nguyên lý này.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký – tập 49 / trang 739,740)