Trong Giới Kinh, Phật có nói khi bạn thọ trì Tam Quy thì liền có 36 vị Thần Hộ Pháp ngày đêm bảo hộ. Còn khi bạn thọ 5 giới nhưng chỉ trì có 1 giới thì liền có 5 vị Thần Hộ Giới bảo hộ bạn, nếu như bạn trì đủ 5 giới thì sẽ có 25 vị Thần Hộ Giới bảo hộ bạn. Khi bạn tu Thập Thiện thì sẽ có các vị quỷ thần như Thổ Địa, Thành Hoàng….hộ vệ bạn.
Chúng ta đều đã thọ Tam Quy Y trì 5 giới, một số ít thì cũng đã thọ Bồ Tát Giới vậy có Thần Hộ Pháp bảo hộ không? Chẳng thấy. Tại sao nói chẳng thấy? Vì bạn thọ giới đó chỉ có trên hình thức mà không có thực chất. Thế nào là thực chất? Đó phải nghiêm_giữ_giới_luật. Nói đến thọ Tam Quy Y, bạn có thật sự là đã quy y Phật, Pháp, Tăng hay không? Nếu chỉ mời 1 vị thầy đến chủ trì nghi lễ truyền thọ Tam Quy Ngũ Giới, nhưng trên thực tế bạn chẳng có quay đầu, cũng chẳng có nương tựa vào những lời Phật dạy mà tu hành, bạn vẫn mê hoặc điên đảo mà tạo nghiệp như lúc trước, vậy thì bạn không có thật sự quy y Tam Bảo, Thần Hộ Pháp nhất định sẽ không hộ trì cho bạn, đạo lý chính là như vậy.
Quy y Phật, Phật có nghĩa là Giác, chúng ta từ mê hoặc điên đảo quay về nương tựa vào Giác. Khi chúng ta đối người, đối sự, đối vật trong hết thảy thời, hết thảy chổ đều Giác chứ chẳng mê thì bạn mới thật sự quy y Phật. Nếu trong tất cả thời, tất cả chổ bạn luôn khởi phân biệt chấp chước, thì bạn chính là mê chứ chẳng phải Giác, những điều này bạn đã làm được hay chưa? Quy y Pháp, tức là chúng ta từ trong tà tri, tà kiến quay đầu lại để nương tựa vào Chánh tri, Chánh kiến. Quy y Tăng tức là thanh tịnh hoà hợp với mọi người.
Đối với Tam Quy này, người khác có giữ hay không đều chẳng liên quan đến mình, còn mình thì nhất định phải tuân thủ. Được vậy thì mới gọi là thọ trì Tam Quy, bạn mới được 36 vị Thần Hộ Pháp bảo hộ bạn. Thần Hộ Pháp chỉ dựa trên thực chất, chứ không dựa trên hình thức, các Ngài ngày ngày nhìn xem bạn có thật sự quy y hay không, nếu thật sự quy y thì tuy chẳng có hình thức, Thần Hộ Pháp cũng vẫn hộ trì cho bạn.
Người tuân giữ Tam Quy, giữ nghiêm giới luật, người ngoài nhìn vào thấy có vẻ như họ chẳng có tự tại. Thế nhưng họ lại rất tự tại, vì trong tâm họ không có sợ hãi, họ biết được rất rõ ràng cái gì là đúng, cái gì là sai, cái gì nên làm, cái gì không nên làm, cái gì cần phải phát huy, và cái gì cần phải tránh xa, đây chính là tự tại. Những giới luật nhà Phật khi nghe qua tưởng chừng như rất là khó khăn để mà tuân giữ. Nhưng nếu so với những đau khổ của cuộc đời, thì nó có nghĩa lý gì đâu chứ. Vậy sao ta không cố gắng tuân giữ giới luật để cho cuộc sống của chính mình được tự tại và an vui?
A Di Đà Phật
Pháp ngữ của Pháp Sư Tịnh Không.