Khi bạn dùng chân tâm thì sức mạnh rất lớn! Vì hết thảy chư Phật, Bồ Tát dùng chân tâm, tâm của bạn giống tâm của các Ngài; nói cách khác, tần số dao động giống nhau nên tiếp xúc, cảm thông được với các Ngài. Tiếp xúc,
cảm thông trong nhà Phật gọi là gia trì, người thế gian gọi là bảo hựu, tần số của bạn giống với các Ngài mới có thể cảm thông, mới được gia trì, được bảo hựu. Nếu tần số của chúng ta khác với tần số của các Ngài, làm thế nào cũng không thể khởi cảm ứng, nếu có khởi cảm ứng thì cũng là đứng ngoài rìa, chỉ có một chút ảnh hưởng chứ chẳng cảm thông trực tiếp. Dùng sóng điện để giải thích những chuyện này thì chư vị dễ hiểu hơn.
Chân tâm tuyệt đối không có vọng tưởng, trong kinh luận Đại Thừa, Tiểu Thừa, đức Phật khổ lòng mỏi miệng dùng ngàn lời vạn tiếng, đã từng vô số lần khuyên chúng ta phải đoạn trừ vọng tưởng, nhất định phải bắt đầu từ việc đoạn phiền não. Trong các vọng tưởng, ngã chấp là vọng tưởng căn bản nhất, chấp trước thân này là Ta, đây là cội rễ của vọng tưởng. Vậy thì phải tu cái gì? Thân này chẳng phải là Ta, cái gì mới là Ta? Ta có chứ chẳng phải không có. Tận hư không trọn khắp pháp giới là một cái Ta, đức Phật nói lời này người ta không tin. Không những phần đông người ta nghe xong không tin, ngay cả người xuất gia học Phật cả đời, học đến chết cũng không tin. Nếu họ tin thì họ đã thành Phật rồi. Tại sao họ không thành Phật được? Vì họ không tin. Tại sao nói nếu họ tin thì họ sẽ thành Phật? Tin tưởng thì họ sẽ chứng được pháp thân thanh tịnh, tận hư không, khắp pháp giới là một thân, thân này gọi là Thể, một thể. Chư vị thường nghe trong Phật pháp có nói “Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”, đồng thể nghĩa là như thế nào? Hư không pháp giới và mình cùng một thể, tức là chính mình. Trong Thiền Tông gọi là “mặt mũi vốn sẵn có khi cha mẹ chưa sanh”, mặt mũi vốn có là gì? Tức là pháp thân thanh tịnh. Pháp thân đâu có sanh diệt? Pháp thân chẳng có tướng, nhưng có thể hiện hết thảy tướng. Chư Phật, Bồ Tát chẳng có thân, nhưng có thể hiện hết thảy thân. Chúng ta hiểu rõ thì phải làm thực sự, đây mới thực sự là chính mình.
(Lược Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không.
Quyển Thượng .PHẨM THỨ SÁU: NHƯ LAI TÁN THÁN: – Tập 25-Tr – 589 -590)