Hành thiện, tích đức có khó, có dễ. Sao gọi là khó – dễ?
“Tu hành”, hành là hành vi, đem hành vi sai lầm, cách nhìn sai lầm đối với vũ trụ nhân sinh, cách nghĩ sai lầm, cách nói, cách làm sai lầm chỉnh sửa trở lại thì gọi là tu hành.
Sao gọi là sai lầm? Cái gì là chính đáng?
Chính đáng là thiện, sai lầm là ác. Đoạn ác, tu thiện phải hạ công phu tại chỗ này.
Tập khí ác, thói xấu ác của chúng ta quá nhiều, cải chính như thế nào vậy?
Cổ thánh tiên hiền dạy người, phải bắt tay từ chỗ khó khắc phục nhất. Chỗ khó khắc phục nhất mà bạn có thể khắc phục được thì những cái khác sẽ dễ dàng thôi. Nho, Phật đều nắm vững nguyên tắc này. Mỗi một người tập khí phiền não không giống nhau, tự mình phải biết, tự mình phải thường xuyên kiểm điểm, phải thường xuyên soi lại, cái nào là tật xấu nghiêm trọng nhất của ta, ta phải bắt tay làm từ chỗ này trước. Tật xấu tham tài thì trước tiên ta ra tay từ bố thí tài, tật xấu tham sắc thì ra tay xa lìa sắc. Tóm lại, phải biết mình tật xấu ở chỗ nào. Biết được tật xấu của mình thì người này đã giác ngộ rồi. Đem tật xấu sửa đổi lại, đó là công phu thật sự, là công phu thực tiễn, đây là chân tu.
Cho nên tu hành, quý vị nhất thiết không được làm sai. Mỗi ngày đọc mấy quyển kinh, niệm mấy câu Phật hiệu, đó không gọi là tu hành, mà đó chỉ là hình thức, không phải thực chất. Phải ở trên thực chất mà hạ công phu! Hình thức là làm mẫu cho người chưa có học Phật, người vẫn không biết tu hành thấy, đây là thuộc về độ tha. Công phu thực chất mới là tự lợi chân thật. Không có tự lợi thực chất, mà bạn làm ra hình mẫu cho người ta thấy, người ta vừa nhìn đã tỏ rồi,đây là đồ giả, không phải thật, không đáng một xu! Cái giả dạng này chỉ có thể lừa người ngu thế gian. Thế gian này, người thật sự có kiến thức, có nhãn quan, có đức hạnh, bạn làm sao có thể lừa được họ? Người ta thấy rất rõ ràng, rất minh bạch, nhưng không nói với bạn mà thôi. Tại sao không nói với bạn? Có nói cũng vô dụng, chỉ tạo khẩu nghiệp; nói mà bạn không chịu nghe, bạn cũng không chịu sửa thì nói để làm gì? Bạn thật sự có thể tiếp nhận, có thể hối cải thì những người này sẽ giúp đỡ bạn, sẽ nói cho bạn biết. Bạn không biết hối cải, Phật Bồ Tát nhìn thấy bạn cũng không nói một câu nào, vì không muốn kết oán thù với bạn.
Ở trong đây nêu ra một số công án rất đáng để chúng ta phản tỉnh. Có thể sửa đổi là bước công phu đầu tiên của đoạn ác tu thiện. Tiến thêm một bước nữa, phải có thể nhẫn thì công phu của bạn mới có thể gìn giữ, không bị mất đi. Cho nên, trong lục độ của Bồ Tát, bố thí có thể tu phước, nhẫn nhục có thể tích đức. Tu phước mà không thể nhẫn được thì chỉ có phước đức, không cócông đức. Mọi người chúng ta đều biết, phước đức không thể giải quyết vấn đề. Sinh tử là việc lớn, đường luân hồi thì hiểm trở, bạn không có công đức chân thật thì làm thế nào đây? Nhất là hiện nay, trong đời loạn này, mọi lúc mọi nơi, không biết lúc nào chúng ta sẽ gặp tai họa và bị cướp đi mạng sống. Sau khi mất mạng rồi sẽ đi về đâu? Đây là vấn đề lớn.
Người có sinh thì chắc chắn có tử. Chúng ta không nên kiêng kỵ tử, không nên sợ tử, phải dùng trí tuệ cao độ đối diện với hiện thực, tự cầu phước nhiều. Người chân thật thông đạt Phật pháp biết được trong Phật pháp không có sinh tử, mà trong Phật pháp gọi là chuyển biến. Đây mới là chân tướng sự thật chân thật.
A DI ĐÀ PHẬT XIN THƯỜNG NIỆM.
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (tập 16)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 1999
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biênq tập: Phật tử Diệu Hương.