Trên “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”, Thế Tôn có mấy câu khai thị rất hay. Ngài nói với Long Vương (Kinh này giảng ở trong Long cung, người đương cơ là Long Vương Sa Kiệt La): “Bồ Tát có một phương pháp có thể khiến tất cả vĩnh viễn lìa khỏi ác đạo khổ”.
Đó là phương pháp gì vậy? Phật dạy bảo chúng ta: “Ngày đêm tư duy quán sát thiện pháp, quyết không cho phép một ly một lai pháp bất thiện xen tạp ở trong”, như vậy liền có thể vĩnh đoạn tất cả ác. Cách này thì rất hay. Bạn phải nên biết tâm của chúng ta là tốt, tâm của mỗi một người đều tốt, chân tâm của mỗi một người cùng tâm của chư Phật Như Lai không hề khác nhau, vì sao các Ngài có thể thành Phật, còn chúng ta lại ở trong sáu cõi chịu khổ chịu nạn????
Không gì khác, tâm của các Ngài cũng giống như cái ly đựng nước, những thứ đựng bên trong đều là thiện, một chút ác đều không có. Tâm này của chúng ta thì rất đáng lo, đem tất cả người xấu việc xấu của thế gian đều đựng vào trong đó, vì thế tâm của chúng ta hư rồi. Bạn xem, có oan uổng hay không?
Những ác niệm, ác hạnh của người khác không hề có liên quan gì với chúng ta, vốn dĩ không có liên quan, chúng ta hà tất phải đem những thứ này đựng vào ở trong tâm của chúng ta, làm cho tâm của chúng ta bị ô nhiễm. Đây mới là căn bản của đại bệnh. Cho nên, giáo huấn này của Phật Bồ Tát rất hay. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên muốn tôi viết mấy chữ tặng cho đồng tu Đại Lục, tôi liền đem đoạn Kinh văn này viết ra mười thiên, đích thực là biện pháp tốt nhất. Chúng ta xem chỗ tốt, thiện tâm, thiện niệm, thiện hạnh của người khác, thì chúng ta phải đem đựng vào trong tâm của chúng ta. Nếu thấy được ác tâm, ác niệm, ác hạnh của người khác thì nhất định không nên đựng vào. Bạn có thể làm được hay không? Chân thật có thể làm được! Nếu bạn không chịu làm, vậy thì còn cách nào?
Các bạn thấy lần trước cư sĩ Hứa Triết đến chỗ này, cư sĩ Lý Mộc Nguyên thỉnh giáo với bà, bà có cái cách nhìn thế nào đối với những người ác, việc ác? Bà nêu ra một thí dụ: “Tôi xem người ác, việc ác của thế gian cũng giống như ta đi ở trên đường xem thấy người đi qua đi lại vậy”.
Thí dụ này rất hay. Các bạn mỗi ngày đi trên đường, người trên đường đi qua đi lại, có người nào bạn ghi nhớ trong tâm hay không? Không có. Đây chính là trong Phật pháp đã nói “thấy mà không thấy, nghe mà không nghe”, có thể thấy chúng ta làm đến được, chúng ta ngày ngày đều đang làm. Trên đường xem thấy sự vật, bạn có ghi nhớ trong tâm không? Những người nói chuyện ở trên đường, bạn đều nghe được, bạn có ghi nhớ trong tâm hay không? Hỏi bạn một người cũng không nhớ được, hỏi bạn người ta nói cái gì thì bạn đều không hề biết, chẳng phải là thấy mà không thấy, nghe mà không nghe hay sao. Vì sao vậy? Bạn không hề đem nó để vào trong tâm.
Chúng ta đối với tất cả nghịch cảnh ác duyên thảy đều dùng thái độ này. Tâm thanh tịnh của chính mình là trong chân tâm không dung nạp một chút gì bất thiện, làm cho tâm mình tràn đầy thuần thiện, con người này liền có thể làm Phật. Phật là như vậy mà tu thành.
TRÍCH PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 165)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
A DI ĐÀ PHẬT
(Xin thường niệm Phật)