Đối với tình hình hiện tại, ngay khi con cái biết nói, nhận biết sự vật, trong nhà hãy dạy cho con nhận biết mặt chữ trước. Mỗi tờ giấy chỉ viết một chữ, đừng viết cả hai mặt. Hạn định mỗi ngày mấy chữ, mỗi ngày học thuộc mặt những chữ đó xong, lại bắt con nhận mặt toàn bộ các chữ đã học một hai lượt nữa. Chưa hơn một năm, con sẽ biết được nhiều chữ. Sau này, lúc con đọc sách, phàm đọc qua chữ nào đều nhận biết, chẳng đến nỗi có cái tệ miệng chỉ đọc làu làu [nhưng vẫn không biết chữ].
Tùy theo năng lực của con, sai con làm những việc lặt vặt để tập tánh siêng năng. Đừng cho con ăn uống, mặc quần áo quá sang trọng. Phàm những khi con phí phạm ngũ cốc và làm hư hỏng vật gì, chẳng cần biết vật ấy quý giá hay tầm thường thế nào, phải bảo cho con biết những vật ấy chế tạo chẳng dễ, cũng như nói đến những nghĩa lý bị tổn phước, giảm thọ v.v… Nếu con vẫn vậy, nhất định phải trách phạt, quyết chẳng bỏ qua. Có như thế, con sẽ tự kiệm ước, trọn chẳng đến nỗi xa xỉ, phung phí.
Khi con đọc được sách, bảo con hãy đọc kỹ các sách Âm Chất Văn, Cảm Ứng Thiên v.v… thuận theo từng mặt chữ mà giảng giải. Hễ hành vi hằng ngày của con là tốt lành, bèn chỉ cho con thấy điều thiện trong hai sách ấy để khen ngợi. Nếu hành vi nào không tốt, bèn lấy những điều bất thiện trong hai sách ấy để quở trách (nhà cư sĩ Bành Nhị Lâm đỗ đạt đứng đầu tỉnh Chiết Giang, từ nhiều đời qua đều tuân thủ hai sách ấy. Nhà ấy, trạng nguyên rất nhiều, nhưng đều suốt đời tuân thủ hai sách ấy, chẳng bỏ phế). Như vàng đổ khuôn, như nước có đê ngăn, lẽ nào chẳng thành vật dụng, vẫn cứ chảy lung tung như cũ ư? Con người có đúng là người hay không là do từ nền tảng ấy. Chẳng giảng đến điều ấy, lại muốn trở thành con người vẹn toàn, họa chăng thiên tư phải hơn cả Mạnh Tử!
Đến tuổi đi học, đừng cho con vào học ngay những trường hiện thời đang mở, hãy nên hợp vài nhà [có con em trong tuổi vỡ lòng lại] mời một vị thầy học vấn và đức hạnh đều tốt đẹp, tin sâu nhân quả, để dạy con học Tứ Thư, Ngũ Kinh. Đợi đến khi con học được mấy phần, đối với văn tự lẫn đạo lý đều chẳng bị lầm lạc bởi những tà thuyết, tục luận, mới cho con vào học những trường hiện thời để mở rộng tầm mắt, biết suy xét việc, chẳng đến nỗi hành động trái thời, không có cách gì tiến lên được! Làm được như thế, đứa con nào có thiên tư sẽ tự thành đạt, đứa không có thiên tư cũng thành người lương thiện. Thật sự ra, những điều lão tăng hay nói chẳng ngoài những chuyện “riêng mình thiện, khiến người khác cũng thiện, tự lợi, lợi người”!
(Trích: Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, mục IX: Khuyên nhủ các thiện tín tại gia, Luận về giáo dục gia đình)