Luật Sa Di nói: “Năm giới tại gia, duy chế tà dâm. Mười giới xuất gia, đoạn tận tà dâm, phạm vào tất cả nam nữ trong thế gian, đều gọi là phá giới”. Ở trước chúng ta học đến đây, bây giờ chúng ta xem tiếp đoạn văn bên dưới:
“Cho đến người thế gian vì dâm dục, mà mang họa sát thân tan nhà. Xuất gia làm tăng, há càng phạm chăng. Căn bản sanh tử, dâm dục đứng hàng đầu. Nên trong kinh dạy rằng: Sống mà dâm dật, không bằng chết mà trinh khiết”. Đoạn kinh văn này là nói đến ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu. Năm loại ác này chính là sát đạo dâm vọng tửu, là năm giới. Nên nội dung phẩm kinh văn này chính là ngũ giới thập thiện, là giới luật mà trong Kinh Vô Lượng Thọ nói, đoạn kinh văn này nói rất tường tận.
Ở trước Hoàng Niệm Tổ trích dẫn lời trong Sa Di Luật Nghi. Phía sau là ông tổng kết về đoạn kinh giáo này. Cho đến người thế gian vì dâm dục này, ái dục này, tình dục này mà “tan nhà mất mạng”. Câu này chúng ta có thấy trong lịch sử Hạ Thương Chu, trong thời cổ đại, các hoàng đến cuối triều đại, vì điều gì mà tan nhà mất mạng, mất đi chánh quyền? Hầu như đều là vì dâm dục, điều này trong lịch sử ghi chép rất rõ ràng. Chúng ta quan sát tường tận hơn, ở mỗi triều đại, sau cùng mất nước đều là vị quân vương này, có thể nói là phạm hết năm giới: Sát đạo dâm vọng tửu. Vì thế mà mất đi chánh quyền, tan nhà mất mạng. Quý vị sẽ biết tính quan trọng khi Phật chế ngũ giới cho chúng ta. Đối với thế gian đã tạo thành thảm họa lớn lao, huống gì là người xuất gia. “Xuất gia làm tăng, há còn phạm sao”. Nó nghiêm trọng đến mức độ nào? “Căn bản của sanh tử, dâm dục đứng hàng đầu”. Bởi thế trong kinh nói: “Sống mà dâm dật, không bằng chết mà trinh khiết”, lời nói này là thật chăng? Là thật. Sống mà dâm dật, sau khi chết đọa vào địa ngục. Trong kinh nói về địa ngục là tường đồng trụ sắt, đây là quả báo phải chịu khi phạm tội dâm dật. Còn chết mà trinh khiết tuyệt đại đa số đều sanh lên cõi trời, thiên đường và địa ngục sai biệt rất lớn.
Bởi thế chúng ta phải bình tĩnh suy nghĩ về tương lai, ta đồng ý lên cõi trời hay là bằng lòng đọa vào địa ngục. Điều này cần phải có đầu óc tỉnh táo và thật sự tin nhân quả. Trong Kinh Đức Phật nói về năm giới, năm điều ác. Sát đạo dâm vọng tửu là năm điều ác, tạo năm điều ác này, đời sau không được thân người, sanh lên cõi trời và vãng sanh lại càng không có phần, không thể không biết điều này.
Quý vị xem Tịnh Độ Luận, mở kinh văn chúng ta sẽ thấy: “Thiện nam tử, thiện nữ nhơn”, đới nghiệp vãng sanh cũng là thiện nam tử, thiện nữ nhơn. Trong kinh nói: tạo tội ngũ nghịch thập ác, họ biết sám hối, biết thay đổi, ít nhất những ác nghiệp này của họ, dùng câu Phật hiệu này chế phục được, mới có thể vãng sanh.
Các bậc cổ đức Tông môn thường nói: “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, ý niệm là tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay, có khi không khống chế được. Hiện tượng này không thể trách quý vị, bởi quý vị là phàm phu, không phải thánh nhân, sức mạnh tập khí nghiệp này vô cùng lớn mạnh, thường khởi hiện hành. Ý niệm này vừa khởi, chính là ý niệm sát đạo dâm vọng, ý niệm vừa khởi lên, niệm thứ hai là A Di Đà Phật, tức là đem niệm A Di Đà Phật thay thế vào, đây gọi là biết niệm Phật. Niệm khiến diệt trừ các tập khí ác nghiệp của chúng ta, từng giờ từng phút phải cảnh giác cao độ. Ý niệm bất thiện khởi lên, A Di Đà Phật cũng lập tức khởi lên, thay thế vào ý niệm bất thiện. Đây gọi là biết niệm, gọi là niệm Phật chơn chánh, niệm Phật có lợi ích thật sự. Niệm Phật như vậy năm ba năm, sức mạnh niệm Phật đã lớn mạnh, trong lúc niệm Phật không còn có ý niệm này khởi lên, lúc này gọi là công phu thành phiến. Vậy thì chúc mừng quý vị, niệm đến công phu thành phiến, đây là công phu rất nhỏ, nhưng chắc chắn được sanh Tịnh độ, sanh vào cõi phàm thánh đồng cư. Công phu niệm Phật sâu dày, cõi phàm thánh đồng cư cũng có tam bối cửu phẩm. Thượng tam bối vãng sanh tự tại, họ buông bỏ thật sự. Mặc dù còn có ý niệm này sanh khởi, nhưng tâm lý của họ là gì? Tâm lý của tội nghiệt, nghiệp chướng mình sao lại nặng như vậy, sao còn có tập khí phiền não này hiện hành, phải sám hối bằng cách nào? Một câu Phật hiệu chính là sám hối, câu Phật hiệu này sẽ tiêu trừ niệm ác này, chánh niệm hiện tiền, chánh niệm là niệm Phật. Chánh niệm này đánh tan vọng niệm, đây gọi là chân sám hối, không cần áo não, không cần hối hận. Nhanh chóng chuyển thành Phật hiệu, niệm rốt ráo câu Phật hiệu này. Người học Tịnh độ hoàn toàn dựa vào câu Phật hiệu này, trong câu Phật hiệu này công đức vô lượng vô biên, có thể bảo chứng chúng ta vãng sanh Tịnh độ, thân cận Phật Di Đà.
“Trong Vô Lượng Thọ Kinh Sao lại nói: Dâm dục là cội nguồn trôi lăn trong vòng sanh tử, xa rời nhân duyên giải thoát”, đây là nói đến tai hại của dâm dục. Cổ nhân nói: Đây là phiền não nghiêm trọng nhất trong phiền não. Con người vào trong lục đạo thọ sanh, nhân duyên rất phức tạp, nhưng ý niệm thứ nhất chính là dâm dục. Bởi thế: “Dục không nặng không sanh Ta Bà, niệm không nhất không sanh Tịnh độ”, thay đổi ý niệm này quá quan trọng. Nó là lưu chuyển sanh tử, chính là nguồn cội của luân hồi lục đạo. “Xa rời nhân duyên giải thoát”, đây là nói, ta không thể nào thoát ly luân hồi lục đạo, nhân duyên chính là ở đây. Chúng ta có muốn rời khỏi lục đạo chăng? Quả thật lục đạo quá khổ.
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA TẬP 526
PS TỊNH KHÔNG