Con em nhà phú quý phần đông chẳng nên người, nguyên do là [cha mẹ] thương con, nhưng chẳng hiểu đạo, hoặc chỉ chú trọng tiền tài, hoặc chỉ lo cho con ăn mặc sang trọng. Tiền xài mặc sức, ắt sẽ đến nỗi ăn bậy thành bệnh. Nếu cho đứa này giữ tiền để sanh lợi thì những đứa kia chẳng được giữ sẽ oán hờn cha mẹ, sanh lòng đố kỵ với anh, em, chị em nào được giữ tiền. Đấy đều chẳng phải là cách để dạy con hiếu đễ. Nếu con gái có tiền, khi xuất giá, ắt sẽ cậy tiền tự kiêu, hoặc khinh thường chồng, hoặc chẳng hiểu rõ sự việc, đem tiền giúp chồng làm việc quấy.
Muốn cho con cái thành hiền nhân, hãy nên vun bồi phước, chớ nên tích cóp tiền tài. Của cải là gốc họa. Các vị từng thấy không ít người tay trắng làm nên, đều là do không có tiền, tự mình siêng gắng mà đạt được, nhưng nhà đại phú phần nhiều chẳng mấy chốc gia sản trống rỗng. Vì thế, cổ nhân nói: “Để cho con một rương đầy vàng, chẳng bằng để cho con một quyển sách”. Học hành được thì học, không thể thì làm nghề nông, hoặc buôn bán, ai có nghề nấy để làm cái vốn lập thân nuôi gia đình. Con gái nếu có tiền lại hiểu đạo lý, lẽ cố nhiên, tiền sẽ trở thành cái vốn để trợ đạo. Nếu chẳng hiểu đạo lý, tiền sẽ hại cô đó, hại luôn chàng rể, hại lây cả đến cháu trai, cháu gái!
(Trích từ quyển: Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, mục IX. Khuyên Nhủ Các Thiện Tín Tại Gia.)