Trong thành Xá-vệ có một nhà kia hết sức nghèo khổ. Trong sân nhà có một cây nho, muốn hái một chùm để dâng lên cúng dường các vị Tỳ Kheo. Lúc ấy, nhằm khi quốc vương đã có lời cầu thỉnh chư tăng thọ nhận cúng dường trong suốt một tháng. Do ngày nào vua cũng dâng cúng đồ ăn thức uống nên người nhà nghèo không có cơ hội để cúng dường. Phải chờ đợi hết một tháng đó mới có thể mang chùm nho đến dâng cúng lên một vị Tỳ Kheo.
Vị Tỳ Kheo thọ nhận rồi bảo rằng: “Ông đã cúng dường được một tháng rồi.”
Người nghèo không hiểu, thưa hỏi lại: “Con chỉ dâng cúng một chùm nho, sao Ngài lại nói đã cúng dường được trọn một tháng?”
Vị Tỳ Kheo dạy: “Tuy chỉ một chùm nho này, nhưng ông đã khởi tâm từ một tháng trước. Ông luôn nghĩ nhớ đến việc cúng dường không lúc nào gián đoạn, như vậy chẳng phải là đã cúng dường được một tháng rồi sao?”
Xem tích trên ta thấy việc thì cúng dường Tam Bảo vốn có thể gián đoạn, nhưng tâm niệm bố thí cúng dường thì không nên gián đoạn. Phải giữ cho niệm niệm nối nhau không dứt thì mới có thể vun bồi được hạt giống Bồ Đề.
Việc cúng dường cơm nước cho các chùa chiền, tự viện… mang lại lợi ích lớn lao nhất. Vì nó giúp cho người cúng dường kia trong chỗ tự mình không hay biết mà tự nhiên mỗi ngày đều cúng dường Tam Bảo.
Nếu biết thực hành bố thí cúng dường Tam Bảo có thể:” Bán đi sự nghèo khổ”, thì chắc chắn rằng:
– Việc kính lễ Chư Phật có thể:” Bán đi sự hèn kém”.
– Thực hành phóng sinh có thể:” Bán đi sự chết yểu”.
– Siêng năng học hỏi có thể:” Bán đi sự ngu si”.
Người có trí tuệ, chỉ nghe qua một điều có thể hiểu thấu ra trăm ngàn lẽ. Đối với hết thảy những nghịch cảnh bất như ý trong chốn thế gian này, há có điều gì lại không thể:” Bán đi” như thế !
HT. Ân Sư
A Di Đà Phật xin thường niệm