Lại nói đến việc “bất kính Tam bảo”. Tam bảo chính là bậc sư trưởng của chúng ta. Thời Phật tại thế, Phật là thầy của chúng ta. Phật không còn tại thế, Pháp là thầy của chúng ta. Nhưng Pháp phải có người trao truyền, phải có người hoằng hóa rộng ra. Truyền pháp, hoằng pháp chính là [việc của] Tăng bảo. Vì sao chư tăng được tôn xưng là bảo, là ngôi báu? Vì chư tăng là người truyền pháp, hoằng pháp. Truyền pháp là đem Giáo pháp của Như Lai truyền lại từ đời này sang đời khác, không để gián đoạn. Ngày nay chúng ta gọi đó là công việc dạy học, bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp để kế tục. Đó là truyền pháp.
Hoằng pháp là mang Phật pháp ra giới thiệu, phổ biến rộng rãi đến với quảng đại quần chúng, giúp cho hết thảy chúng sinh đều có thể tiếp cận được với những lời răn dạy trong Phật pháp, đều có thể đạt được những lợi ích chân thật từ Phật pháp.
Thực hiện công việc truyền pháp, hoằng pháp, đó là Tăng bảo. Như thế mới xứng được tôn xưng là “ngôi báu”. Chánh nghiệp của người xuất gia chính là những việc này. Người xuất gia không cần theo đuổi những công việc xã hội như từ thiện, phúc lợi. Đó không phải việc của người xuất gia. Người xuất gia phải lo việc dạy học, hoằng pháp. Người xuất gia không sở hữu tài sản, lấy gì để làm chuyện phúc lợi xã hội? Chuyện phúc lợi xã hội là việc của hai chúng tại gia, nam nữ cư sĩ. Quý vị nghĩ xem, đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế, du phương hoằng hóa đến nơi nào cũng đơn sơ chỉ ba tấm y, một bình bát, mỗi đêm ngủ dưới một gốc cây, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, nếu như ngài làm chuyện từ thiện xã hội thì lấy gì mà làm? Hoàn toàn không một xu dính túi! Cho nên, bổn phận của người xuất gia là hoằng truyền đạo pháp.
Xây dựng chùa chiền không phải bổn phận của người xuất gia. Vì sao vậy? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không xây ngôi chùa nào cả. Tinh xá Trúc Lâm, Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên là do cư sĩ tại gia cúng dường. Quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc người tại gia, chẳng phải người xuất gia. Người ấy phát tâm thỉnh Phật, thỉnh các vị đệ tử Phật đến an cư, đến giảng kinh thuyết pháp.
Do đó mà biết rằng, chư Phật, Bồ Tát, các bậc Tổ sư qua nhiều đời, đều chỉ tá túc nơi các đạo trường. Đạo trường không thuộc sở hữu các ngài. Bản thân các ngài không hề xây dựng đạo trường. Ý nghĩa đó tự thân đức Phật cũng đã nêu gương cho chúng ta. Ngài nêu lên một tấm gương hết sức sáng tỏ rõ ràng nhưng chúng ta vẫn không thấy được. Thật ngu si đến thế là cùng, còn nói chi đến chuyện thành tựu được gì?
Người xuất gia nếu phải tự mình xây dựng đạo trường thì làm thế nào? Chỉ đơn sơ lợp bằng cỏ tranh. Điều này kinh Phật có dạy, trong Giới kinh có ghi chép. Đệ tử đời sau hết thảy đều kém thể lực so với thời đức Phật. Vào thời đức Phật, [chư tăng] có thể ngủ dưới gốc cây ngoài trời. Chúng ta hiện nay không làm được, thân thể không có được thể lực như vậy, nên cần phải có chỗ che trú. Làm sao có chỗ che trú? Tự mình lên núi chặt năm ba cây nhỏ, dựng lều cỏ tranh. Đó là đạo tràng của người xuất gia. Tại Trung quốc, các vị tổ sư, đại đức ngày xưa đều làm theo cách ấy. Chúng ta phải ghi nhớ, đó là những khuôn mẫu tốt nhất để noi theo. Phải hướng thượng học tập, dứt trừ tham lam, sân hận, si mê, thành tựu giới, định, tuệ.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.
– HT. Tịnh Không, Giảng Giải Cảm Ứng Thiên, tập 14, Nguyễn Minh Tiến dịch.