Hà huống lâm mạng chung nhân, tại sanh vị tằng hữu thiểu thiện căn, các cư bổn nghiệp tự thọ ác thú, hà nhẫn quyến thuộc cánh vi tăng nghiệp.
(Huống chi là người sắp chết lúc còn sống chưa từng có chút thiện căn, phải y theo bổn nghiệp mà tự đọa ác đạo, quyến thuộc nỡ nào tăng thêm nghiệp tội của người ấy!)
Huống chi người này sắp mất, lúc còn sống làm lành ít, cả đời làm ác nhiều, làm lành ít nên sức ác thì lớn còn sức của thiện căn yếu kém.
“Các cư bổn nghiệp tự thọ ác thú”, chúng ta ở thế gian thì thấy mang thân con người, quan sát kỹ càng coi kẻ ấy có phải là một con người hay không? Sách cổ Trung Quốc Tả Truyện có ghi: “Con người phế bỏ luân thường thì yêu quái hưng thịnh”, phải giải thích câu này như thế nào?
Nếu con người đánh mất đạo làm người, thì thân này sẽ là yêu ma quỷ quái, chẳng phải là thân người nữa. Thường là gì? Thường là ngũ giới, nhà Nho nói Thường là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Người ấy chẳng nhân, chẳng nghĩa, chẳng giữ lễ, chẳng giữ tín dụng thì người ấy là yêu ma quỷ quái, chẳng phải là người. Hiện nay thì giống hình dáng của một con người, nhưng sau khi chết đi liền vào ba đường ác, cho nên ở đây nói “các cư bổn nghiệp, tự thọ ác thú”, người nhà, thân quyến làm sao nhẫn tâm tạo những ác nghiệp này để cho họ gánh chịu? Như vậy là sai lầm quá đỗi.
(Lược Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký – Quyển Hạ
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không. Tập 27 PHẨM THỨ BẢY: LỢI ÍCH CHO KẺ CÒN NGƯỜI MẤT – Trang -27)