Nếu do cảnh ngộ không tốt thì hãy lùi một bước, suy nghĩ, thử nghĩ coi trong đời kẻ hơn được mình cố nhiên là nhiều, nhưng những người không được như mình cũng chẳng ít! Chỉ cần không đói, không rét, mong chi đại phú, đại quý? Vui theo mạng trời, tùy ngộ nhi an (an vui theo cảnh duyên). Như thế sẽ chuyển được phiền não thành Bồ Đề, há chẳng thể chuyển ưu khổ thành an lạc ư?
Nếu bị tật bệnh dây dưa thì hãy đau đáu nghĩ thân này là gốc khổ, sanh lòng nhàm lìa hết mức, ra sức tu Tịnh nghiệp, thề cầu vãng sanh. Chư Phật lấy khổ làm thầy, nên thành Phật đạo. Chúng ta nên lấy bệnh làm thuốc, mau cầu xuất ly.
Phải biết phàm phu đầy dẫy phiền não, nếu không khổ vì bần cùng, tật bệnh v.v… ai có thể sẽ không suốt ngày rong ruổi trong trường thanh sắc, danh lợi, ai chịu trong lúc đắc ý lừng lẫy, quay đầu nghĩ đến lúc chìm đắm trong tương lai? Mạnh Tử nói: “Trời vì muốn giao phó trách nhiệm lớn lao cho người nào thì trước hết phải làm khổ tâm chí, nhọc nhằn gân cốt người ấy, khiến thân người ấy đói khát, thân thể trống thiếu, gây nên những điều trái ngược với những gì người ấy làm. Do vậy, nẩy sanh tánh Nhẫn, tăng thêm [khả năng làm được] những điều người ấy không thể làm”. Do vậy, biết rằng: Trời muốn thành tựu người thường hay tạo ra nghịch cảnh, con người chỉ nên thuận theo mạng trời là được.
Cái gọi là “trách nhiệm lớn” như Mạnh Tử đã nói chính là tước vị thế gian, vậy mà còn phải lo âu, nhọc nhằn như thế mới chẳng phụ lòng trời. Huống chi chúng ta là phàm phu sát đất, muốn trên thì gánh vác gia nghiệp của đấng Pháp Vương, dưới hóa độ pháp giới hữu tình, nếu không bị chút nghèo – bệnh vùi dập thì phàm Hoặc ngày càng lẫy lừng, Tịnh nghiệp khó thành, mê muội bản tâm, vĩnh viễn đắm trong ác đạo đến tận đời vị lai, không mong có lúc thoát ra.
Cổ đức từng nói: “Chẳng trải một phen lạnh buốt xương, há được hoa mai thơm ngát mũi”, chính là nói về điều này vậy. Hãy nên chí tâm niệm Phật để tiêu nghiệp cũ, trọn chẳng nên khởi lòng bực bội, lo nghĩ, oán trời hận người, cho là nhân quả hư huyễn, Phật pháp không linh!
(Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Đặng Bá Thành – 2)