Chúng tôi suy nghĩ, chúng ta đích thực là đời sau không bằng đời trước. Lão sư của tôi là học trò của Ấn Quang Đại Sư, lão sư Lý không bằng Ấn Quang Đại Sư. Tôi là học trò của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi không sánh bằng Ngài, không như Ngài. Đời sau không bằng đời trước. Cứ như vậy tôi lại truyền cho các vị, các vị tương lai không bằng tôi, vậy thì nguy quá. Ở nơi này, chúng ta nhìn thấy nguy cơ của Phật pháp là vô cùng nghiêm trọng, vậy phải làm sao? Tôi nhất định phải tìm cách, hy vọng ngay đời sau này siêu vượt hơn tôi, tôi mới không có lỗi với Tổ sư Đại đức, mới không có lỗi với cha mẹ, với sư trưởng. Bởi vì một duyên cớ như vậy, chúng tôi mới xây dựng đạo tràng tại Toowoomba, Úc Châu. Những người xuất gia trẻ tuổi này đều đã qua bên đó, để cắm rễ, để tu học. Tôi thường thường gọi điện thoại hỏi thăm tình hình việc tu học, xem học tập tiến bộ đến đâu, tôi muốn biết rõ.
Cắm rễ từ chỗ nào? Cắm rễ từ lớp mẫu giáo. Ngày nay lớp bồi huấn của chúng ta, tôi muốn mọi người phải học từ mẫu giáo. Bạn không cam lòng, không tình nguyện, nhưng tại Toowoomba, bạn không cam tâm tình nguyện thì bạn ra đi. Bạn muốn theo tôi thì phải học từ mẫu giáo. Tuy là hiện giờ đã ba-bốn mươi tuổi rồi, cũng phải học từ mẫu giáo. Học cái gì vậy? Học “Đệ Tử Quy”. Hôm nay tôi gọi điện thoại hỏi thăm, khóa trình “Đệ Tử Quy” đã dạy xong rồi, có phải mọi người đều có thể đọc thuộc không? Dường như tất cả đều có thể đọc thuộc. Ngày ngày phải đọc, phải đọc cho đến khi thật thuộc lòng, mà còn phải thực tiễn. Thầy Dương nói với tôi, hiện nay lời nói tác phong mọi người đều có thay đổi, thực tiễn được rồi. Học rồi thì phải làm được.
Ngày mai học đến “Tam Tự Kinh”. Chúng ta thật sự làm từ lớp tiểu học. Lúc trước mọi người chưa có học qua, bây giờ bổ túc lại. Yêu cầu của tôi là có thể thuộc, có thể giảng, có thể làm. Sau khi học xong “Tam Tự Kinh”, tôi yêu cầu học 100 bài cổ văn, từ trong quyển “Cổ Văn Quán Chỉ” mà lựa chọn ra. Giáo dục từ chỗ cắm rễ. Sang năm thì có thể học Kinh Phật rồi. Kinh Phật chúng tôi cũng đã chỉ định ra khoa mục bốn môn bắt buộc, trong bốn môn bạn có thể chọn một môn, một môn thâm nhập. Mỗi một người giảng nói ra có thể không giống nhau, lúc lên lớp thì mọi người đều có thể cùng đến nghe giảng. Mỗi người chuyên tâm một môn, học “Kinh Vô Lượng Thọ” thì chuyên về “Kinh Vô Lượng Thọ”, học “Di Đà Yếu Giải” thì chuyên về “Di Đà Yếu Giải”, đem việc này làm thành sự việc lớn nhất trong đời để mà làm. Bốn môn này bắt buộc phải học, nhưng mà bạn phải chuyên chú một môn, chuyên tâm một môn, bốn môn đều phải học. Công phu một đời này của bạn, một đời tận lực chuyên chú một môn, sau 10 năm nữa thì bạn là chuyên gia của môn này. Đến lúc đó mọi người vừa nhìn thấy mặt bạn, chắp tay, bạn chuyên về “Kinh Vô Lượng Thọ” thì bạn là Phật Vô Lượng Thọ, bạn chuyên về “Kinh Di Đà” thì bạn là Phật A Di Đà, bạn chuyên về “Phổ Môn Phẩm” thì bạn chính là Quan Thế Âm Bồ Tát. Chuyên tâm một môn, chí thành cảm thông.
Trong một môn này, bạn khai ngộ rồi, bạn khế nhập cảnh giới rồi thì môn nào bạn cũng đều thông, không những Phật pháp môn nào bạn cũng thông, mà thế gian pháp cũng đều thông, pháp thế xuất thế gian bạn đã nhập vào pháp giới vô chướng ngại. Đây mới là con đường tu học ngắn tắt. Nếu bạn không hiểu đạo lý này, cái gì cũng đi học hết, thì dù học 400 năm cũng không thể thông một bộ Kinh.
Phật pháp và nền giáo học của cổ nhân Trung Quốc, những lý luận, những phương pháp của họ quả thực là giới học thuật hiện đại không có cách gì sánh kịp. Những thứ cũ ấy đáng để khảo nghiệm, đã phổ biến hơn hai nghìn năm qua mà không bị suy yếu, đương nhiên có đạo lý bên trong. Hiện nay, phương pháp luận của khoa học người tây phương hiện đại xuất hiện chưa lâu, được đề ra vẫn chưa đến 300 năm, còn người Trung Quốc thì dùng phương pháp cổ xưa này chí ít cũng có 3.000 năm lịch sử. Đem hai cái mà so sánh với nhau, tôi từng làm qua sự so sánh, tôi tin tưởng phương pháp của người xưa, phép tắc xưa có thể thành tựu.
– HT. Tịnh Không, Kinh Vô Lượng Thọ 10, tập 233, Vọng Tây cư sĩ dịch.