Trong kinh, Phật ví dụ người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Thế nên có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc.
Trong Kinh Di Giáo, Ðức Phật có dạy: “Không nên quan tâm chuyện thế gian. Không nên loan truyền các tin đồn”. Tại sao vậy? Bởi vì các chuyện thế gian thường là những chuyện thị phi, phải quấy, đúng sai, tranh chấp hơn thua, còn các loại tin đồn thường là vô căn cứ, không xác thực, khó kiểm chứng được, chỉ làm hại thanh danh người khác, tất cả đều làm cho tâm trí chính mình bất an, xao động chẳng ích lợi gì.
Khi còn tại thế, một lần, Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
– Cù Đàm có điếc không?
– Ta không điếc.
– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.
Bạn đã thật sự hiểu trọn vẹn câu chuyện “Chửi mắng và lời dạy của Đức Phật”?
Người kêu tên Phật chửi mà Ngài không nhận. Còn chúng ta, những lời nói bóng, nói gió ở đâu đâu cũng lắng tai nghe, để buồn để giận. Như vậy mới thấy những lời cuồng dại của chúng sanh Ngài không chấp không buồn.
Con người do si mê, chỉ một lời nói nặng nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau triền miên. Chúng ta tu là tập theo gương Phật, mọi tật xấu của mình phải bỏ, những hành động lời nói không tốt của người, đừng quan tâm. Như thế mới được an vui.
Trong kinh, Phật ví dụ người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Thế nên có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc.
Không ai có thể ngăn cản những lời buộc tội, những lời tường thuật hay đồn đại sai lầm do những người cố ý hay ác ý. Thế gian này đầy chông gai và đá nhọn. Nhưng nếu bắt buộc phải đi trên đó, không thể nào tránh né, hơn nữa chúng ta không thể rời gai và dẹp đá được, thì tốt hơn hết, chúng ta nên mang một đôi giày thật chắc và thận trọng đi từng bước.
Trên thế gian này, mọi người có thể nghe thuật lại những chuyện trái tai bất lợi, những lời buộc tội giả dối, những tiếng vu oan phỉ báng, từ miệng lằn lưỡi mối, thực ra không đáng bận tâm, không cần để ý đến.
Trong lịch sử từ cổ chí kim, từ đông sang tây, các bậc vĩ nhân vẫn thường bị vu oan, giá họa, phỉ báng, đầu độc, xét xử, hoặc bị bắn, bị giết chết. Cuộc đời của các Ngài cũng đầy những chướng ngại, trắc trở, bất thường. Nhưng các Ngài vẫn bình thản khi được danh dự cũng như lúc bị hủy nhục.
Người ta có hiểu có biết được việc làm của mình hay không, các Ngài không màng để ý. Các Ngài làm việc, phục vụ, nhưng trong lòng không màng đến việc thọ hưởng, không mong cầu được đền đáp dưới bất cứ hình thức nào, dù vật chất hay tinh thần cũng vậy, kể cả việc lưu truyền danh thơm tiếng tốt cho hậu thế mai sau!
Các bậc đại nhân được tất cả mọi người hết lòng khen tặng, nhưng vẫn luôn luôn thản nhiên, không hề dao động. Điều quan trọng trong giáo lý đạo Phật chính là “vô ngã”, nghĩa là không có cái gì là “Ta”, cho nên không có cái gì thực là “của Ta”.
Ðó chính là triết lý cao thượng vô cùng mà chúng ta cần phải nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi, suy tư cho thấu đáo, để khi gặp chuyện hủy báng hay danh dự trên thế gian này, chúng ta vẫn giữ được tâm trí bình thản.
Khi một người chửi mắng nặng nhẹ bạn, bạn không “nhận” lời chửi mắng, thì sẽ không phiền não vì nó, chúng ta sẽ cảm thấy thanh thản và an vui. Nhưng đừng dừng lại ở đó, hãy mở lòng hơn với những người còn u mê đấy, hãy cố gắng hiểu họ và mở tâm cho họ, giúp họ ngộ ra điều đúng sai, giúp họ sống tốt hơn. Đó là cách trọn vẹn hiểu, trọn vẹn “tu”.
Trích trong Cư Trần Lạc Đạo – Cư Sĩ Chánh Trực