Chúng ta sợ chết, sợ chia lìa và chúng ta sợ trở thành hư vô. Người tây phương rất sợ trở thành hư vô. Khi họ nghe nói về sự trống rỗng họ cũng rất sợ. Nhưng trống rỗng chỉ là sự vắng mặt các ý niệm.
Không hay trống rỗng không có nghĩa trái ngược với sự sinh tồn. Nó không có nghĩa là hư vô, không có nghĩa là không còn gì hết. Cần phải loại bỏ ý niệm hiện hữu và không hiện hữu. Trống rỗng là một dụng cụ giúp chúng ta.
Thực tại không liên quan gì tới chuyện có hay không, hiện hữu hay không hiện hữu. Khi Shakespeare nói “To be or not to be – that is the question (vấn đề là hiện hữu hay không hiện hữu), Bụt trả lời: “Hiện hữu hay không hiện hữu, đó không phải là vấn đề.” Có hiện hữu hay không hiện hữu chỉ là hai ý niệm trái ngược nhau, chúng không phải là chân lý và chúng cũng không diễn tả được chân lý.
Sự giác ngộ tỉnh thức không những loại được ý niệm về thường hằng mà nó cũng loại được cả ý niệm về vô thường. Ý niệm về trống rỗng cũng thế. Trống rỗng cũng chỉ là một khí cụ, và nếu bạn bị kẹt vào ý niệm đó, bạn cũng đi lạc đường. Bụt nói trong kinh Người bắt rắn (Ratnakuta): “Nếu bạn bị kẹt vào ý niệm hiện hữu hay không hiện hữu (Có hay Không) thì ý niệm về trống rỗng giúp cho bạn được tự do. Nhưng khi bạn kẹt vào ý niệm trống rỗng thì không còn hy vọng. Giáo lý về sự trống rỗng là một dụng cụ giúp cho bạn có cái hiểu thật sự về Không, nhưng nếu bạn coi dụng cụ đó là sự giác ngộ thì bạn đã bị kẹt vào ý niệm đó rồi.
Nếu bạn có một ý niệm về Niết bàn, thì nên loại bỏ nó đi. Niết bàn không chứa đựng một ý niệm nào hết, kể cả ý niệm về Niết bàn. Nếu bạn kẹt vào ý niệm về Niết bàn là bạn chưa chạm được tới Niết bàn. Sự khám phá và hiểu biết sâu xa đó khiến cho Bụt vượt thoát được mọi sợ hãi, lo âu, mọi đau khổ và vượt được cả vấn đề sinh tử.
Đốt cháy các ý niệm
Khi bạn có một que diêm, bạn có nhân duyên để tạo ra lửa. Nếu ngọn lửa bạn đốt lên bằng que diêm đó có đủ thời gian, nó sẽ đốt cháy luôn que diêm. Que diêm tạo ra lửa, và lửa đốt cháy diêm, giáo pháp vô thường cũng vậy. Nó giúp ta có tỉnh thức về sự vô thường, và sự giác ngộ đó lại đốt cháy ý niệm của ta về vô thường.
Chúng ta phải vượt qua ý niệm về thường, nhưng ta cũng phải vượt qua ý niệm về vô thường. Như thế chúng ta có thể chạm tới Niết bàn. Vô ngã cũng vậy. Vô ngã giống như que diêm, nó giúp gây ra lửa trí tuệ để hiểu về vô ngã và cũng chính ngọn lửa vô ngã sẽ đốt que diêm vô ngã.
Tu tập không phải là thu thập một lô các ý niệm về vô ngã, vô thường, Niết bàn hay ý niệm nào khác. Đó là công việc của một cái máy thu băng. Thuyết giảng và chia sẻ về các ý niệm đó không phải là cách học và hành trì Phật pháp. Ta có thể tới đại học để học Phật pháp, nhưng chúng ta sẽ chỉ học được lý thuyết và các khái niệm. Chúng ta muốn vượt lên trên các ý niệm để có được tánh giác, và nhờ đó sẽ đốt cháy được hết các ý niệm trong ta, để cho ta được tự do.
Niết bàn ở đâu?
Hãy nhìn một đồng xu. Một bên là mặt phải, một bên mặt trái. Hai mặt không thể hiện hữu nếu thiếu mất một bên. Kim loại làm ra đồng xu gồm có hai mặt, không có kim loại thì không có đồng tiền. Ba yếu tố kim loại, mặt phải và mặt trái liên quan với nhau. Ta có thể mô tả kim loại giống như Niết bàn, mặt phải và mặt trái có thể coi như biểu hiện của vô ngã và vô thường. Qua mặt phải hay mặt trái, bạn có thể chạm được và cảm được sự hiện hữu của kim loại. Tương tự như vậy, nếu nhìn sâu vào bản chất của vô thường và vô ngã, bạn có thể tiếp xúc được với bản chất của Niết bàn.
Niết bàn trong bình diện tuyệt đối (bản môn) không thể tách rời ra khỏi Niết bàn trong bình diện tương đối (tích môn). Khi bạn thật sự chạm được tới Niết bàn tương đối thì bạn cũng tiếp xúc được với Niết bàn tuyệt đối. Bản thể luôn luôn có sẵn trong bạn. Đối với người có tu học, điều quan trọng là bạn phải tiếp xúc được với tự tánh vô thường vô ngã của bạn. Nếu thành công bạn có thể tiếp xúc được với Niết bàn và không còn sợ hãi nữa. Bây giờ bạn có thể cưỡi trên sóng sinh tử và mỉm cười thanh thoát.