Vừa rồi có người hỏi tôi:
– Trong gia đình chỉ có mình tôi là học Phật, còn những người khác không có học Phật, ngày nào họ cũng ăn thịt, thậm chí là ăn những con vật còn tươi sống, vậy thì tôi phải làm sao?.
Thật ra nếu ta thật sự học Phật thì cần phải hiểu những đạo lý này, nếu không trong gia đình nhất định là có mâu thuẫn với nhau, gia đình sẽ không hoà thuận. Sự bất hoà này sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ Phật giáo, khiến cho người khác nhìn vào thấy gia đình đệ tử Phật cả nhà đều bất hoà, họ sẽ nghĩ “Không nên học Phật, vì học Phật không tốt chút nào, gia đình cứ luôn bất hoà”. Như vậy là ta đã vô tình đem cơ hội học Phật của họ đoạn mất rồi.
Vậy phải làm sao để cho cả hai phương diện đều tốt đẹp? Điều này cần có trí tuệ, cần có học vấn, trong gia đình nếu mọi người đều ăn thịt thì ta cố gắng đừng mua những con vậy còn sống đem về ăn, mà hãy hướng mọi người ăn Tam Tịnh Nhục. Thế nào là Tam Tịnh Nhục? Tam Tịnh Nhục gồm có 3 điều:
1. Mình không nhìn thấy con vật đó bị giết.
2. Mình không nghe tiếng con vật đó kêu la khi bị giết.
3. Con vật đó không phải vì mình mà bị giết.
Cái vấn đề này thì chúng ta thật không bằng người phương tây, người phương tây thức ăn họ ăn đại đa phần đều là đồ đông lạnh, điều này phù hợp với Tam Tịnh Nhục của Phật pháp. Còn chúng ta khi đi ra chợ, hễ đồ không tươi sống thì nhất định không mua, nhất định không ăn. Nhưng thật may thay ngày nay trong các siêu thị thịt cá đông lạnh được bày bán rất nhiều, tiêu chuẩn vệ sinh cũng rất đảm bảo, phù hợp với việc ăn Tam Tịnh Nhục.
Như chúng ta đã biết một trong những nét đẹp văn hoá của chúng ta chính là bữa cơm gia đình, trong bữa cơm này mọi người cùng ngồi lại với nhau cùng chia sẻ với nhau các vấn đề trong cuộc sống của chính mình, qua đó tình cảm giữa mọi người càng thêm gắn kết. Nay nếu như trong gia đình đến giờ cơm mà ta không ngồi vào cùng ăn với mọi người mà tách riêng ra ăn thức ăn chay của ta, thì nhất định mọi người trong nhà sẽ không vui và sẽ cảm thấy kỳ kỳ, mọi người đều sẽ cho rằng:
– Học Phật sao lại thành như vậy? Sao lại thành ngu si mê muội như thế chứ?.
Cái vấn đề này một khi phát sanh trong gia đình thì sẽ rất phiền phức. Cho nên ta thay vì học Phật một cách cứng nhắc, sao ta không ngồi vào cùng ăn một chút chung với mọi người, khiến cho cả nhà đều được vui vẻ. Có người nói:
– Đây chẳng phải là bảo tôi phá giới ăn măn đó sao?.
Đây không gọi là phá giới ăn mặn, mà đây gọi là khai duyên. Cái gì là khai duyên? Tuy ta phá chay ăn mặn nhưng đều là vì lợi ích chung của gia đình, ta muốn mọi người đều được vui vẻ, gia đình thuận hoà, chứ chẳng phải vì lợi ích của riêng ta thì đây gọi là khai duyên. Ta hãy học theo Lục Tổ Huệ Năng đại sư khi Ngài sống chung với đội thợ săn 15 năm, trong 15 năm này Ngài đều ăn rau nấu trong nồi thịt. Việc ăn rau nấu trong nồi thịt này của Ngài cùng với việc ăn chay hoàn toàn không có mâu thuẫn, càng không thể gọi là Ngài đã phá giới ăn mặn được.
Nếu chúng ta kiên trì uyển chuyển cân bằng giữa việc học Phật và gia đình, thì theo hời gian lâu dần nhất định sẽ có thể ảnh hưởng đến gia đình mình, khiến họ thấy được học Phật là không khó, học Phật không hề đáng sợ, không hề buồn chán như mọi người vẫn tưởng. Khi họ dần dần hiểu được thì vấn đề học Phật sẽ không còn khó khăn nữa, mọi người sẽ vui vẻ cùng với ta học Phật. Như vậy ta chẳng những tự độ được cho mình, mà còn độ được cả nhà và những người chung quanh ta, đây tự độ độ tha của tinh thần Bồ Tát Đạo.
A Di Đà Phật!
– Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không –
Hoan nghinh lưu thông, công đức vô lượng!!!