Chúng ta thường nghe nói đến việc quan sát một người nào đó có túc căn, có thiện căn hay không. Vậy túc căn là gì? Chúng ta thường gọi là bổn tánh, là thiên tánh. Chẳng có ai dạy cả mà tâm địa của họ vẫn luôn rất tốt, rất là từ bi, rất là thông minh, đối với mọi vấn đề đều rất là rõ lý, đây đều là túc căn. Túc căn này chẳng phải chỉ là tu hành trong một đời mà có, mà là đời đời kiếp kiếp đều đã tu, vả lại công phu còn phải đắc lực một tí. Nếu như công phu chẳng đắc lực thì nó không thể ảnh hưởng đến đời này, dù cho đời này không tu nhưng công phu của nhiều đời trước vẫn còn sức mạnh, nên mới có thể ảnh hưởng được trong đời này. Đối với pháp môn Niệm Phật thì điều tiên quyết nhất chính là cần phải túc căn thành thục. Nếu trong đời trước căn tánh của anh không thành thục, thì đời này rất khó có được lợi ích.
Thiện căn (túc căn) của chúng ta trong đời quá khứ không thể nói là không có, nếu không có thì căn bản anh nghe không vô, căn bản sẽ bài xích pháp môn Niệm Phật này. Anh đối với Thiền, Mật, Giáo đều rất có hứng thú, nhưng bảo anh niệm Phật thì anh liền cự tuyệt ngay, đây là chứng minh cái gì đây? Chứng minh thiện căn của anh chưa có thành thục. Cái dáng của thiện căn thành thục chẳng phải như vậy.
Vậy cái dáng thiện căn (túc căn) đã thành thục ra làm sao? Vừa nghe đến danh hiệu A Di Đà Phật thì họ liền hoan hỷ, liền tiếp nhận, dù anh có giảng cho họ nghe các pháp môn khác họ cũng không nghe lọt vào tai, đây gọi là thiện căn thành thục. Những người có thiện căn thành thục thì trong một đời này quyết định được sanh.
Vậy có những người tuy túc căn vẫn chưa thành thục mà đời này vẫn có được lợi ích, và lợi ích của mỗi người cũng không hẳn giống nhau, đây là duyên cớ gì vậy? Ngài Thiện Đạo Đại Sư trong phần chú giải Kinh Quán Vô Lượng Thọ đã đem sự việc này nói rõ với chúng ta. Ngài nói:
– Cữu phẩm vãng sanh đều là do gặp duyên khác nhau.
Câu nói này quả thật quá hay. Cái duyên thù thắng nhất chính là gặp được Thiện Tri Thức, vị này có thể đem pháp môn Niệm Phật giảng giải tường tận ra thì họ nghe xong bèn tin theo. Hoặc là gặp được đồng tham đạo hữu bỉ thử cùng ở chung một nơi, cùng nhau nghiên cứu kỹ lưỡng pháp môn Niệm Phật, cùng động viên nhau tiến tu. Còn kém hơn một chút là gặp được thiện hữu, anh nhìn thấy họ niệm Phật được vãng sanh thì tức khắc tin ngay, liền sẽ hết lòng hết dạ đi niệm một câu Phật hiệu này. Cho nên, nhân duyên thù thắng có rất nhiều, chỉ cần có thể làm xúc động túc duyên của anh trong đời trước, có thể dẫn phát anh đến với pháp môn Niệm Phật, thì đều gọi là thiện duyên. Do bởi duyên không đồng thì quả cũng khác nhau, tuy nhiên đều quyết định được sanh.
A Di Đà Phật!
– Pháp sư Tịnh Không-