Cổ đức lại dạy cho chúng ta phương pháp tu tâm thanh tịnh. Trong “Kinh Di Đà” pháp môn Tịnh tông tu là “Nhất tâm bất loạn”. Mục đích tu học của Tịnh tông thật sự chính là Nhất Tâm Bất Loạn. Trong “Kinh Di Đà” nói: “Nhất tâm bất loạn, tâm không điên đảo”. Nhất tâm bất loạn là định, tâm không điên đảo là tuệ. Làm thế nào có thể thật sự thành tựu nhất tâm bất loạn, tâm không điên đảo vậy? Đương nhiên khéo giữ ba nghiệp là vô cùng quan trọng. Nhưng mà bắt đầu từ chỗ nào? Cổ nhân cũng dạy chúng ta: “Biết quá nhiều chuyện, thêm phiền não. Quen quá nhiều người, lắm thị phi”. Việc gì phải biết nhiều chuyện như vậy chứ? Đi hóng chuyện khắp nơi, vậy là bạn tiêu rồi!
Năm xưa, sau hai năm chúng tôi xuất gia, thọ giới, chúng tôi có một vị sư huynh đồng giới, đó là Pháp sư Giác Bân. Huynh ấy sau khi thọ giới không lâu (đại khái là khoảng nửa năm), đến Nam bộ để nhập thất. Điều này rất tốt, chúng tôi rất ngưỡng mộ huynh ấy, vì có phước báo nhập thất như vậy. Trải qua một năm tôi có duyên đến Nam bộ, tôi đặc biệt ghé vào trong thất để thăm huynh ấy. Khi huynh ấy nhập thất, đã mượn tôi một bộ sách “Trung Quán Luận Sớ” gồm mười hai quyển, phân lượng hoàn toàn không nhiều, sách đóng bằng dây buộc. Huynh ấy muốn đem vào thất để xem. Trải qua một năm, tôi hỏi huynh Giác: “Sách huynh mượn của đệ, đã xem được nhiều ít rồi?”. Huynh ấy trả lời: “Quyển thứ nhất còn chưa xem xong”. Khi gặp mặt tôi, huynh kể cho tôi nghe chuyện thiên hạ, kể đạo tràng, kể vị pháp sư này. Huynh ấy ở trong thất, sao mà biết tin tức nhanh và rộng như vậy? Tôi ở bên ngoài mà mọi thứ đều không biết. Nghe huynh ấy nói tin tức cho tôi, tôi nghĩ: “Nhập thất kiểu này mà gọi là nhập thất sao?”, vì vậy một chút thành tựu cũng không có. Về sau huynh ấy cùng Pháp sư Bạch Thánh đến chùa Cực Lạc – Tân Thành ở Nam Dương. Sư Bạch là trụ trì, mời huynh ấy lo liệu việc nhà. Ở bên đó không bao lâu thì huynh ấy qua đời. Huynh ấy là một người tốt, giao hảo với tôi cũng rất tốt, chỉ là ưa thích hóng chuyện. Người xưa nói: “Biết nhiều chuyện quá, thêm phiền não”. Huynh ấy có quá nhiều phiền não, nên tâm không thể định được.
Đồng tu chúng ta, bất luận là xuất gia hay tại gia, tâm thanh tịnh là quan trọng. Việc không liên quan gì với mình, biết nhiều để làm gì? Mọi người đều biết, có biết bao nhiêu người viết thư cho tôi, nhưng những thư đó tôi không xem. Tại sao vậy? Tôi không muốn biết nhiều chuyện như vậy. Viết thư cho tôi làm gì? Thật thà niệm Phật là tốt rồi. Tôi mỗi ngày giảng kinh đã là nhiều việc rồi, còn muốn làm những việc không liên quan này là quá đỗi sai lầm. Quen biết người càng ít càng tốt. Tôi cho các bạn xem, trên người tôi mang theo một sổ tay nhỏ ghi số điện thoại, chỉ có hai mươi mấy người. Tại sao tôi phải làm vậy? Có khi cần liên lạc, nếu không ghi chép lại thì không được, nên tôi mới ghi. Những số không cần thiết thì tôi không nhớ, ngay cả số điện thoại của học hội chúng ta, của Cư Sĩ Lâm, số fax trên lầu chúng ta, tôi đều không biết. Tên người, tôi cũng không thể nhớ được. Vậy thì tốt! Khi gặp mặt, thấy rất quen, chào hỏi qua, tôi không cần biết bạn họ gì, tên là gì, chẳng liên quan, nhớ những thứ này làm gì? Bạn một mình tự tại biết bao. Nếu như nói nhớ tên mấy người, tại sao không nhớ tên của Phật Bồ Tát? Làm bạn bè với Phật Bồ Tát, giao tiếp với Phật Bồ Tát thì tiền đồ của chúng ta mới có hy vọng.
(Trích: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên giảng giải, tập 27)