Biết dùng chân tâm, trong Phật pháp đại thừa gọi họ là pháp thân Bồ Tát. Dùng vọng tâm thì là phàm phu. Chư vị nên biết, lục đạo là phàm phu, trong cõi tứ thánh pháp giới – Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật cũng gọi là phàm phu. Trong kinh đại thừa đều phân biệt rất rõ ràng.
Lục đạo gọi là nội phàm, phàm phu trong lục đạo. Tứ thánh pháp giới là ngoại phàm, phàm phu bên ngoài lục đạo. Vì sao vậy? Vì họ dùng là vọng tâm, chứ không phải dùng chân tâm. Vọng tâm chính là A lại da, mười pháp giới đều dùng A lại da. Nếu không dùng A lại da là vượt ra khỏi mười pháp giới, đó chính là pháp thân Bồ Tát. Họ không dùng A lại da, họ dùng chân tâm.
Chân tâm nghĩa là chân thật rốt ráo, là lý và thể thực tế. Thế nào gọi là chân? Không mang theo vọng chính là chân. Cái gì là vọng? Khởi tâm động niệm là vọng, phân biệt chấp trước là vọng. Nói thô hơn một chút thì tự tư tự lợi là vọng, thị phi nhân ngã là vọng, danh văn lợi dưỡng là vọng, thất tình ngũ dục là vọng, ngũ dục lục trần là vọng. Chúng ta suốt tháng suốt năm đều dùng vọng tâm, chứ không biết chân tâm.
Chân tâm là gì? Chính là tâm bồ đề. Chúng tôi quy nạp nó thành mười chữ, rất dễ nhớ. Chân thành là chân tâm, thanh tịnh là chân tâm, bình đẳng là chân tâm, chánh giác là chân tâm, từ bi là chân tâm. Chúng ta khởi tâm động niệm, nếu có thể tương ưng với mười chữ này, đó là đang dùng chân tâm, đang hành Bồ Tát đạo. Chúng ta đi con đường này là con đường thành Phật, là con đường chính đáng! Nếu chúng ta còn phân biệt chấp trước, còn tự tư tự lợi, còn tật đố phiền não. Như vậy là sai, không phải hành Bồ Tát đạo, mà chúng ta đi con đường nào? Đi vào ba đường ác. Chúng ta nghĩ đến chính mình, đồng thời cũng nghĩ đến người khác. Nghĩ đến người khác nhưng vẫn không quên chính mình, đây là đường nhân thiên. Không quên “ta”, đương nhơn là chính mình. Tất cả pháp là tự tâm của chính mình. Rời tự tâm của chính mình thì không có tất cả pháp.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa.