Nếu nói: “Kẻ quan, quả, cô, độc, bần cùng, hoạn nạn, đâu đâu cũng có, sao chẳng chu cấp cho họ, cứ khăng khăng lo cho bọn dị loại chẳng có quan hệ gì với mình? Chẳng phải là đảo lộn chuyện hoãn, gấp, nặng, nhẹ ư?” Đáp rằng: Ông chưa biết nguyên do đức Như Lai dạy con người kiêng giết, phóng sanh. Người và vật tuy khác, Phật tánh vốn đồng. Chúng nó do ác nghiệp, nên đắm chìm trong dị loại; ta do thiện nghiệp, may được làm thân người; [thế mà] chẳng tăng thêm lòng lân tuất (xót thương, giúp đỡ), lại còn mặc sức ăn nuốt; một mai phước ta đã hết, tội chúng nó đã tận, khó tránh ta phải đền nợ từng mạng, hòng no thỏa bụng miệng của chúng nó.
Phải biết rằng: Đao binh đại kiếp đều do sát nghiệp đời trước cảm thành. Nếu không có sát nghiệp, dù thân gặp phải giặc cướp, chúng nó sẽ khởi tâm lành, chẳng chém giết ta. Huống hồ là đối với những tai nạn ngang trái như ôn dịch, nước lửa… người kiêng giết, phóng sanh, hoàn toàn ít gặp phải. Vì thế, biết rằng: Bảo vệ loài vật vốn là để bảo vệ chính mình, kiêng giết mới hòng khỏi bị trời giết, quỷ thần giết, đạo tặc giết, oan oan tương báo giết trong đời vị lai. Đối với kẻ quan, quả, cô độc, bần cùng, hoạn nạn, cũng nên tùy phần tùy sức chu cấp, chứ đâu phải là người kiêng giết phóng sanh trọn chẳng thực hiện công đức ấy! Nhưng những kẻ quan, quả… dù thật đáng thương xót, vẫn chưa đến nỗi lâm vào tử địa. Loài vật nếu chẳng được cứu chuộc ngay, sẽ lập tức phải lên chảo, lên thớt, để thỏa miệng bụng con người.
Lại còn có kẻ nói: Loài vật vô tận, phóng sanh được mấy? Đáp: Phải biết việc phóng sanh chính là để khiến cho những đồng nhân (những người cùng hàng, cùng căn tánh với ta) phát khởi thiện tâm tối thắng cứu giúp trọn khắp sanh mạng loài vật, mong họ thấu hiểu ý nghĩa gấp thả, trong tâm động lòng xót thương, chẳng nỡ ăn nuốt. Đã chẳng ăn nuốt, sẽ thôi săn bắt. Vậy thì hết thảy loài vật bay trên không, bơi dưới nước sẽ tự tại bay, chạy, bơi lội trong nơi sanh sống của chúng, tức là chẳng phóng sanh mà phóng sanh khắp cả, đấy chẳng phải là cả thiên hạ trở thành một cái ao [phóng sanh] hay sao? Dù không phải ai cũng làm được như vậy, nhưng một người chẳng nỡ ăn thịt thì đã có vô lượng sanh mạng loài vật trên cạn, dưới nước khỏi bị tàn sát; huống hồ nào phải chỉ có một người [không nỡ ăn thịt] thôi ư? Lại vì hết thảy đồng nhân trong hiện tại, vị lai, dứt trừ cái nhân quan, quả, cô, độc, bần cùng, hoạn nạn, tạo cái duyên trường thọ, không bệnh, phú quý, yên vui, cha con xum họp, vợ chồng giai lão.
Đấy chính là thực hiện sự chu cấp, giúp đỡ sẵn, để đời đời, kiếp kiếp trong vị lai, vĩnh viễn chẳng có những nỗi khổ quan, quả… hưởng thụ dài lâu những sự vui trường thọ v.v… há chẳng đáng gọi là khiến cho khắp hết thảy đều được hưởng phước ư? Há nên thờ ơ bỏ qua? Ông nghĩ kỹ đi: Kiêng giết phóng sanh, rốt ráo chính là khăng khăng vì con người, há có phải là cắm đầu lo cho loài vật, đảo lộn chuyện hoãn, gấp, nặng, nhẹ!
(Trích: Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Khuyên Chú Trọng Nhân Quả, Như Hoà chuyển ngữ)