Hiện thời, nhiều người nói tới tai nạn, các đồng học học Phật phải biết: Phật pháp có nói tai nạn hay không? Phật pháp có nhắc tới tai nạn, nhưng chẳng nghiêm trọng dường ấy, tận thế là chuyện chẳng thể xảy ra! Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật là một vạn hai ngàn năm. Chiếu theo cách nói cổ xưa của Trung Quốc thì kể từ khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ tới nay đại khái hơn ba ngàn lẻ ba mươi năm. Quý vị thấy [pháp vận là] một vạn hai ngàn năm, phía sau còn có chín ngàn năm nữa, thời gian rất dài. Do vậy, “tận thế” là do người ngoại quốc nói, người Trung Quốc chẳng nói, mà càng chẳng phải do Phật pháp nói. Thanh bình, loạn lạc, tai họa, do nguyên nhân nào gây ra? Tại Trung Quốc, cổ thánh tiên hiền đã nói rất nhiều, nói rất khéo, có thật, chẳng giả, đó là gì? Đó là cảm ứng! Con người có thiện tâm, thiện hạnh, cảnh duyên sẽ là thiện cảm. Cảnh là hoàn cảnh vật chất, duyên là hoàn cảnh nhân sự (quan hệ giữa con người với nhau), cũng có thể nói là hoàn cảnh nhân sự và vật chất chẳng có gì bất thiện. Nếu con người dùng ác để cảm, hoàn cảnh vật chất và hoàn cảnh nhân sự sẽ cảm ứng ác tướng! [Cổ nhân] nêu ra nguyên lý này! Chúng ta muốn cứu vãn xã hội, cứu vãn địa cầu, phải nên làm như thế nào? Đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện. Dùng phương pháp gì? Phương pháp chúng ta dùng hiện thời là giảng kinh, dạy học. Chúng ta dùng Internet, dùng TV để khuếch đại hiệu quả dạy học, mong mỏi các đồng học chúng ta đối trước Internet hay TV đều phải duy trì. Bản thân chúng ta thật sự phát tâm, tuân theo giáo huấn trong kinh điển để sốt sắng học tập, bắt đầu học từ hiếu thuận cha mẹ, tôn sư, trọng đạo, phát tâm từ bi, yêu quý hết thảy sanh mạng, chẳng sát sanh. Tốt nhất là có thể phát tâm ăn chay, ăn chay có lợi ích lớn nhất đối với sức khỏe.
Tôi hai mươi sáu tuổi học Phật, biết đối với ẩm thực, điều được Phật pháp nhấn mạnh chính là vệ sinh, vệ tánh, vệ tâm (bảo vệ sanh mạng, bảo vệ tánh đức, bảo vệ chân tâm), tôi bội phục tới cùng cực. Người thế gian chỉ biết vệ sinh, bảo vệ lẽ sống, nhưng đối với tánh của chính mình thì sơ sót, càng thiếu sót trong việc bảo vệ lòng yêu thương của chính mình. Trước khi tôi học Phật, đi học tại Nam Kinh, tôi ở nhà một bạn học. Gia đình người bạn học này tuy chẳng phải là đại gia đình, nhưng anh ta có đông anh chị em, có năm hay sáu anh chị em, cha, mẹ, còn có bà nội. Nhưng trong gia đình ấy có ba tôn giáo, đa nguyên văn hóa: Bà nội niệm Phật, trong nhà có tiểu Phật đường, niệm Phật; cha anh ta theo đạo Hồi, mẹ anh ta theo Cơ Đốc Giáo. Vì vậy, các trẻ nhỏ nói chung đều theo mẹ. Tôi sống trong một gia đình như thế, mới biết đạo Hồi chú trọng vệ sinh trong ẩm thực, lại còn coi trọng vệ tánh. Phàm những động vật nào tánh tình chẳng tốt đẹp, ông ta không ăn, có chọn lựa. Con vật nào tánh tình rất ôn thuận, thiện lương ông ta mới ăn. Phật giáo còn tiến hơn nữa, chọn thức ăn chay, nhằm bồi dưỡng tâm từ bi. Do vậy, tôi cảm thấy phương cách ăn uống này rất viên mãn, học Phật chưa đầy nửa năm tôi bèn chọn cách ăn chay. Thuở ấy, tôi chẳng biết gì về nhân quả, mà vì tin tưởng cách ăn ấy là vệ sinh, vệ tánh, vệ tâm, cách ấy rất viên mãn. Đúng là lành mạnh! Tôi ăn chay tới năm nay là năm mươi chín năm, sang năm vừa đúng một giáp, thân thể ngày càng khỏe mạnh, chẳng yếu hơn ai! Điều này chứng tỏ ăn chay có lợi, ăn chay quả thật là khỏe mạnh trường thọ. Nếu quý vị yêu quý sinh mạng, cớ sao chẳng ăn chay? Tôi làm chứng cho mọi người ăn chay là tốt lành! Con người phải giữ tấm lòng tốt, nói lời tốt, làm chuyện tốt, làm người tốt, tiêu chuẩn của sự tốt lành là Đệ Tử Quy của Nho gia, Cảm Ứng Thiên của Đạo gia, và Thập Thiện Nghiệp Đạo của Phật gia.
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa (VLT 11), tập 16.