Thường thường thì con người hay lãng quên thời gian, không có sự nhạy cảm với thời gian “một đi mà không trở lại” này. Cho nên có một vị rất có trí tuệ đã nói rằng: “Con người từ khi sinh ra đã có một việc không hề ngừng nghỉ”. Đó là việc gì vậy? Là từ lúc sinh ra thì đã tiến dần đến phần mộ của mình và chưa bao giờ ngừng nghỉ. Cho nên chúng ta ăn xong cái Tết, thể hiện rằng năm mới đã đến, nhưng ở một góc độ khác thì lại biểu hiện rằng năm cũ đã qua. Chúng ta còn có bao nhiêu việc quan trọng, bao nhiêu việc cần phải làm mà vẫn chưa làm.
Thời nhà Minh có một vị họa sĩ tên là Văn Gia. Ông từng làm một bài thơ. Bài thơ này cũng là ước hẹn nhắc nhở chúng ta. Ông viết: “Minh nhật phục minh nhật, minh nhật hà kỳ đa, ngã sinh đãi minh nhật, vạn sự thành tha đà” (Ngày mai lại ngày mai, ngày mai sao nhiều thế, đời ta đợi ngày mai, mọi việc trở thành phí hoài). Nếu như chúng ta cứ nghĩ rằng còn có ngày mai, còn có năm sau thì thời gian trôi qua một cách không có ý thức. Như vậy thì thật là đáng tiếc.
Khi tôi đi làm ở Hải Khẩu được bốn tháng thì chợt lĩnh hội được rất sâu sắc rằng cuộc đời còn có một mối hận. Đó là khi các vị cảm thấy có nhiều việc rất quan trọng cần phải làm, nhất định phải làm, nhưng các vị lại không có năng lực để làm. Lúc đó các vị sẽ cảm thấy rất là hối tiếc, rất đau khổ. Như khi chúng ta có cơ hội quảng bá văn hóa ngàn năm của Tổ Tông để làm ích lợi cho mọi người, nhưng quay đầu nhìn lại thì thấy mình đã không sử dụng tốt cuộc đời của mình, bởi năng lực không có cho nên không giúp ích được gì. Lúc đó chúng ta cảm thấy rất đau khổ. Giống như rõ ràng nhìn thấy người sắp chết đuối nhưng các vị lại không biết bơi nên không thể cứu người ta. Khi chúng ta thấy cần phải dạy bảo con cái của mình mà lúc này chúng ta lại không có học vấn, không có trí tuệ, thì đó là sự hối tiếc rất lớn của đời người. Chúng ta không nên để cho cuộc đời xảy ra những sự hối tiếc như vậy, phải nhanh chóng tích cực nỗ lực nâng cao trí tuệ của mình, bởi chỉ có trí tuệ thì những vấn đề trong cuộc sống mới có thể được giải quyết một cách dễ dàng.
Cho nên hiện nay, điều quan trọng nhất của cuộc sống không phải là kiếm tiền mà là khai mở trí tuệ, tăng trưởng trí tuệ. Bởi không có trí tuệ thì cuộc đời của các vị sẽ có rất nhiều sự chọn lựa sai lầm. Thời gian các vị bỏ ra để sửa chữa những sai lầm này thì cũng có thể phải mất hơn nửa đời người. Vì vậy việc quan trọng nhất trong kế hoạch cuộc sống là phải học tập, phải trưởng thành, phải tăng trưởng trí tuệ. Chúng ta hãy so sánh xem, một sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học với khi còn đang học thì có chăm chỉ học tập hơn không? Rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học xong là nói: “Tạm biệt với sách vở!”.
Thật ra có rất nhiều bản lĩnh trong cuộc đời của các vị phải đợi khi ra xã hội mới thật sự là lúc cần được học tập và rèn luyện. Nhưng thái độ của chúng ta lại là ngừng nghỉ học tập, thảo nào mà cuộc sống càng ngày lại càng phiền toái. Tại sao có nhiều việc không như chúng ta tưởng tượng? Sau đó chúng ta lại không biết giải quyết như thế nào, cho nên hàng ngày cứ phải mượn rượu để giải sầu thì sầu lại càng sầu thêm, đến khi tỉnh rượu thì những việc đó vẫn cần phải giải quyết. Cho nên trong cuộc sống phải biết chọn lựa, phải nhanh chóng bỏ nhiều thời gian để cố gắng học tập làm theo những vị Thánh nhân.
Đầu tiên chúng ta phải có thái độ quý trọng thời gian, tiến thêm bước nữa là dạy bảo con cái trân quý thời gian. Có một vị phụ huynh có đứa con du thủ, du thực, không chịu học hành. Người phụ huynh này rất mong có thể dạy bảo được đứa con này biết quý trọng thời gian. Ông liền lấy một cây gậy dài tám tấc. Để làm gì? Khi nói đến lấy cây gậy dài tám tấc có rất nhiều em nhỏ khi nghe thấy liền nói: “Đánh đứa con!”. Đánh người mà dùng cây gậy dài tám tấc thì thật là kinh khủng! Người cha cầm cây gậy dài tám tấc rồi nói với đứa con: “Đời người giống như cây gậy dài này, tám tấc tượng trưng cho tám mươi tuổi. Khi con chưa đến tuổi hai mươi thì con chưa thể giúp gì cho gia đình, cho xã hội, con chỉ nhận được sự phục vụ, sự cống hiến của mọi người đối với con. Đoạn này con không giúp được gì cả cho nên phải chặt đi”. Thế là ông lấy cái rìu, chặt đi hai tấc đầu của cây gậy. Hành động này làm cho đứa con bị chấn động.
Tiếp theo ông lại nói: “Con người sau khi quá sáu mươi tuổi thì già cả, cơ thể suy yếu, đối với gia đình, xã hội cũng không có cống hiến gì. Cho nên đoạn này chúng ta cũng phải chặt đi”. Và ông lại chặt đi. Phần khúc cây còn lại người cha lại chia làm ba đoạn rồi nói: “Tiếp đến phần thời gian còn lại này thì con đã dùng mất một phần ba để ngủ nghỉ, cho nên cũng phải chặt đi”. Đứa con bắt đầu thấy căng thẳng. Người cha lại nói tiếp: “Hàng ngày con đều phải ăn cơm, tắm rửa, phải làm rất nhiều việc trong sinh hoạt, đều không thể tiết kiệm được thời gian, vậy thì đoạn này cũng phải chặt đi”. Đứa con vội nói: “Cha à! Cha đừng chặt, con biết rồi”. Người cha lại nói tiếp: “Con chưa biết đâu, con người còn có rất nhiều thời gian bị bệnh nằm ở trên giường, đoạn này cũng phải chặt”. Đứa con trai vội kéo tay ông rồi bảo: “Cha à, sau này con sẽ không lãng phí thời gian nữa”. “Con trai à! Con còn chưa hiểu được, bởi vì hàng ngày con nói toàn chuyện nhảm”. Chân thật là dạy bảo con cái thì phải có quan niệm đúng đắn, và những người phụ huynh như chúng ta cũng cần có những biện pháp khéo léo, bởi vì trẻ nhỏ ngày nay không thích người lớn thuyết giáo cho nên về điểm này chúng ta cũng cần nắm bắt được.
(Trích từ bài giảng Đệ tử quy của Thầy Thái Lễ Húc)