Giữa khoảng trời đất hoàn toàn là một khối nguyên khí thái hòa. Vì thế mưa gió đúng thời, lúa thóc chín rộ, các loài động thực vật đều được sanh trưởng. Nếu con người thấu hiểu, hành theo điều này cố nhiên chẳng thẹn đứng chung với trời đất thành ba ngôi, xưng là Tam Tài. Từ đấy, sẽ tự bảo vệ, bảo vệ kẻ khác, cốt sao hết thảy hàm thức đều được sống yên ổn, cùng vui lẽ thiên chân. Đấy chẳng phải là “kế thừa đời trước, mở mang đời sau, dùng tiên giác để giác hậu giác, bù đắp cho chỗ thiếu sót của trời đất, giúp cho quyền sanh thành, dưỡng dục của trời đất” đó ư?
Nhưng người đời do tham vui sướng bụng miệng, bắt lấy các loài vật bơi dưới nước, chạy trên đất, bay trên không để giết ăn, cốt sao thỏa thích bụng miệng mình, bảo vệ cái sanh mạng của ta, [như vậy thì] muốn cầu giữ gìn mạng sống lại đâm ra gặt phải kết quả trái ngược. Do sát sanh nên gây ảnh hưởng lớn lao đến thiên hòa, cảm lấy lệ khí (khí hung dữ, độc hại), đến nỗi những thiên tai như lụt lội, hạn hán, ôn dịch, sâu rầy v.v… Do kết quả của sát nghiệp, phát sanh những nhân họa (tai họa do con người gây ra) như đôi bên chiến tranh.
Xét đến nguyên do của những tai họa ấy, nói chung là do trong đời trước hay đời này đã sát sanh ăn thịt mà ra! Tai họa do ăn thịt cực kỳ khốc liệt! Không chỉ gây hại cho đời này mà còn gây lụy đến nhiều kiếp. Phàm những ai muốn tự bảo vệ cuộc sống của chính mình, không thể nào không bảo vệ cuộc sống của khắp hết thảy các loài dưới nước, trên hư không, trên mặt đất, vậy thay!
(Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, quyển Hạ, Lời tựa cho bộ Vệ Sinh Tập)