Đạo Phật

Vì sao phải tu và tu như thế nào?

Làm người hãy tu thật tốt cái miệng - Không nói xấu người khác
Có những người cho rằng không cần tu, không cần hành gì cả! Sống mà không làm gì hại ai là đủ rồi. Họ không ác, không xấu, có một đời sống ngay thẳng, lương thiện, một gia đình yên ấm, một nghề nghiệp chánh đáng, hữu ích cho xã hội. Có cần gì nữa mà phải tu hành? Lương tâm họ an ổn, giấc ngủ họ êm ái, không ác mộng, không lo âu. Họ cảm thấy hạnh phúc, họ cho rằng mình là một người may mắn. Họ thụ hưởng hạnh phúc và may mắn đó, không thấy cần thiết phải suy nghĩ xa hơn. Họ chấp nhận cái chết như một chuyện rất bình thường, tự nhiên, đương nhiên vì “cát bụi thì phải trở về với cát bụi”. Họ không hiểu được vì sao có người bỏ tất cả để đi tu, tại sao phải sống kham khổ, không thụ hưởng gì hết, tại sao lại từ chối cái hạnh phúc trong tầm tay, trước mắt, tại sao lại đi tìm hạnh phúc ở chỗ xa vời viển vông, không thiết thực, tại sao phải đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, cúng bái, cầu khẩn, mà có ai thực sự được toại nguyện, có ai thực sự được một lần thấy Phật?! vân vân và vân vân…
Thật ra chính những người đang hạnh phúc may mắn đó là những người rất cần phải tu hành vì họ chẳng biết rằng cái phước mà họ hưởng đó đang từ từ tiêu mòn và rồi họ sẽ rơi vào cảnh khổ! Họ sẽ thốt lên “ồ tại sao tôi lại khổ như thế này! ” và bấy giờ mới vội vàng tìm đến chùa chiền, cúng bái, lễ lạy!.
Chỉ khi lâm vào cảnh khổ mới quay đầu tìm về nương tựa nơi Phật, Pháp và Tăng. Chúng ta có thể chê bai người này: “Vì khổ mà đến với Phật, chỉ biết van xin cầu khẩn! Có hiểu biết chi đâu mà tu với hành!”
Có người ngoài miệng thì niệm Phật lâm râm, nhưng bên trong tâm thì quá hung dữ. Thế nên, cho dù ăn chay nhiều hay thường xuyên niệm Phật mà bản thân không chịu thay đổi cho thiện thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.
Vì vậy, khi nói lời tu, người Phật tử phải nhớ thân miệng thì ý cũng phải phải thiện. Con người chân chính không đặt nặng việc đi chùa thường, tụng kinh giỏi hay ăn chay nhiều, mà phải biết tu ba nghiệp thân khẩu ý cho thiện. Tức là chuyển hóa ba nghiệp ác thành những nghiệp thiện, mỗi khi đi chùa niệm Phật ăn chay là phải nhớ từng hành động lời nói cũng như ý nghĩ luôn luôn phải thiện.
VÀI ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA HIỂU RÕ VỀ NGHIỆP BÁO.
Hầu hết đều tin rằng, nghiệp là nhân tố chi phối tất cả đời sống con người. Vậy sự thật thì nghiệp đáng sợ như thế nào?
Trong quá khứ, thời Phật còn tại thế, có người đã hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni rằng: “Do nguyên nhân nào mà trên cõi thế gian này lại có người yểu mạng, có người thọ mạng; có người bệnh hoạn, có người khỏe mạnh; có người xấu xí, có người đẹp đẽ; có hạng người nói chi cũng không ai nghe theo, làm gì cũng không ai làm theo; và có người có uy tín, thế lực, làm gì cũng có người ủng hộ, có người làm theo, nói chi cũng có người nghe;
Có người nghèo khổ, có người giàu sang; có người sinh ra trong gia đình bần tiện, có người sinh ra trong dòng dõi cao sang; có người ngu mê tăm tối, có người thông minh tài trí… Nói chung là người trên thế gian có điều kiện bản thân và hoàn cảnh sống bất đồng?”.
Và, Đức Phật đã trả lời như sau: “Tất cả chúng sinh đều mang theo cái nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi chúng sinh mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa các chúng sinh”.
Đó là một đoạn kinh trong bộ kinh Trung A-hàm. Qua đoạn đối đáp đó của Phật thì ta thấy rằng, Nghiệp chính là nhân tố mang tính quyết định kiến tạo nên đời sống mỗi con người. Hay nói dễ hiểu hơn thì từ điều kiện bản thân, môi trường sống, hoàn cảnh sống… cho đến cuộc sống khổ đau hay hạnh phúc của mỗi người ra sao đều là kết quả của nghiệp mà ra cả.
Nhưng nghiệp của mỗi người từ đâu mà có?
Câu trả lời không phải ở đâu xa lạ, khó hiểu mà đó chính là từ những tâm ý, lời nói và hành động trong cuộc sống hằng ngày của chính người đó, ở kiếp trước hay kiếp này. Nhà Phật gọi là Tam nghiệp: Thân, Khẩu và Ý. Trong đó, nguồn cơn chính tạo nên tất cả nghiệp chính là “Ý”.
Trong kinh Pháp Cú, Phật có dạy rằng: Ý làm chủ hành động và lời nói, nếu ý ô nhiễm thì lời nói và hành động theo đó sẽ đưa chủ nhân đến đau khổ. Còn ngược lại, nếu với ý thanh tịnh thì lời nói hay hành động sau đó sẽ đưa đến an lạc.
Hay trong kinh Trung Bộ có ghi rằng: “Ta (Phật) biết rõ: Những ai đã tạo ác nghiệp về thân, khẩu, ý, sau khi thân hoại mạng chung sẽ tái sinh vào khổ cảnh, vào đọa xứ, địa ngục. Song những ai tạo nghiệp thiện về thân, khẩu, ý sẽ được tái sinh vào cõi lành, lên thiên giới”.
Và, một khi người nào đã gieo phải nghiệp ác thì phải nhận quả báo khủng khiếp sau đó; trong kinh cũng kể lại rất nhiều với những câu chuyện cụ thể về nhân quả báo ứng này. Nhưng chung quy thì trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Đức Phật đã nêu ra một số ví dụ về tội phước nghiệp báo như sau: Những người chế giễu, phỉ báng bậc tu hành thì chắc chắn sẽ bị đọa và ngục Vô Gián, hoặc sanh làm cầm thú đói khát suốt đời; nếu những người chuyên sát sanh hại vật thì kiếp tới sẽ bị chết yểu;
Những người làm việc gì cũng thất bại là vì kiếp trước họ hà tiện, bỏn xẻn, chẳng hề giúp người; những người hay chửi bới mắng nhiếc, nói lời thô ác thì bị quả báo không lưỡi, miệng lở, hoặc nội bộ gia đình quyến thuộc không an ổn, kình chống lẫn nhau; những người đời này mang thân xấu xí, tàn tật là do kiếp trước hay nóng giận…
Và nhà Phật khẳng định chắc chắn rằng, khi gieo nghiệp thì sẽ nhận quả tương ứng!
Với Nghiệp, trong kinh, Phật cũng xác nhận một quy tắc bất di bất dịch rằng: Nghiệp ai nấy trả, quả ai nấy mang. Tức là, nghiệp do người nào tạo ra thì người ấy gánh lấy chứ người khác không thể tác động vào, hay gánh thay được.
Sự thật này rất rõ ràng và thường được Đức Phật cũng hay nhắc đến trong các bộ kinh A – Hàm.
Trong một phẩm kinh nọ có kể lại chuyện một chàng trai chạy đến bên Phật khóc nức nở và nhờ Phật cứu giúp cho hương linh người cha vừa mới mất của mình. Cụ thể là anh chàng này nhờ Phật hãy cúng tế cầu siêu để linh hồn cha anh được siêu thăng về thiên giới.
Phật thấy chàng trai quá đau khổ, nếu lúc đó mà nói đạo lý thì anh ta khó bề thấu hiểu nên Phật bèn dùng cách khác. Ngài bảo anh ta đi mua hai cái chậu về, một chậu thì bỏ đầy đá cuội còn chậu kia thì đựng đầy bơ. Sau đó, bịt cả hai miệng chậu và thả xuống hồ nước. Tất nhiên, cả hai chậu đều chìm xuống đáy hồ.
Rồi Phật bảo chàng trai hãy lấy gậy chọc vỡ cả hai chậu. Và khi đó, bơ nổi lênh láng trên mặt nước còn chậu đựng đá cuội thì vẫn nằm im dưới đáy hồ.
Tiếp theo Phật bảo chàng trai hãy đi nhờ các tu sĩ đến cúng tế và cầu nguyện rằng “những viên đá cuội ơi, hãy nổi lên và bơ ơi, hãy chìm xuống”! Tất nhiên, chàng trai ý thức được rằng không thể có chuyện đó xảy ra được!
Từ đó, Phật dạy chàng trai rằng: “Nếu trong suốt cuộc đời của cha nhà ngươi mà ông ấy đã làm những điều nặng như những viên đá cuội, tức là những chuyện ác, việc xấu… thì cha nhà ngươi sẽ bị đọa, ai có thể giúp cha nhà ngươi siêu thoát lên trên được? Và nếu tất cả việc làm của cha ngươi nhẹ như bơ, đó là những việc thiện, chuyện tốt… thời ông ấy sẽ được siêu thoát, ai có thể đè ông ta xuống được?”
Nhưng nói như thế không có nghĩa Nghiệp là một định mệnh cứng nhắc không thể thay đổi, thật ra, nghiệp của mỗi người hoàn toàn có thể cải thiện được nếu người đó thấu hiểu luật nhân quả và thực hành cải ác tùng thiện.
Có thể nói, thuyết “Nghiệp” của đạo Phật tạo ra tính bình đẳng cho tất cả mọi người và chúng sinh. Mỗi người là chủ nhân của nghiệp, tự tạo ra nghiệp, vẽ nên cuộc đời mình và thọ lãnh những gì mình đã tạo ra…
HẾT.
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *