“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Phật tánh ấy là Thường Lạc Ngã Tịnh“. Câu nói đó lập đi lập lại nhiều lần trong kinh Đại Bát Niết Bàn, cũng là chủ đề Phật tánh của kinh.
Phẩm Bồ Tát Sư tử rống nói:
“Sư tử rống là lời nói quyết định: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Như Lai thường trụ không biến đổi“.
Sư tử tượng trưng Đức Phật, bậc tối thượng trong ba cõi. Rống là lời tuyên bố dũng mãnh của Trí huệ và Đại bi. Trí huệ vì soi thấy thật tánh của muôn loài là Phật tánh. Đại bi vì lời nói ấy bao trùm tất cả muôn loài.
Phật tánh này là cảnh giới của chư Phật, là Đại Niết Bàn.
“Phật tánh của chúng sanh là cảnh giới của chư Phật, chẳng phải bậc Thanh văn, Duyên giác biết được. Tất cả chúng sanh vì chẳng thấy Phật tánh nên thường bị phiền não trói buộc mà phải lưu chuyển trong sanh tử. Chư Phật thấy Phật tánh nên phiền não kiết sử không thể trói buộc, do đây giải thoát sanh tử, được Đại Niết Bàn”.
“Núi cao ở bờ bên kia là ví cho Như Lai, hưởng an vui ví cho Phật thường trụ. Núi cao lớn ví cho Đại Niết Bàn”. (Phẩm Bồ Tát Sư tử rống).
Phật tánh là tánh Giác viên mãn, Phật tánh là Phật: “Nghĩa Phật tánh là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác“. (Phẩm Phạm hạnh).
“Quả thật, Đại Niết Bàn đây là thiền định rất sâu của chư Phật”. (Phẩm Hiện bệnh).
Đại Niết Bàn hay Phật tánh là Thường Tịch Diệt Quang: “Thường Tịch Diệt Quang gọi là Đại Niết Bàn”. (Phẩm Ứng tận hoàn nguyên).
Tại sao kinh nói Đại Niết Bàn mà không chỉ nói Niết Bàn? Sở dĩ nói Đại Niết Bàn, vì Đại này bao trùm cả sanh tử lẫn Niết Bàn. Đại Niết Bàn bao trùm cả sanh tử lẫn Niết Bàn, và là tánh (pháp tánh) của sanh tử và Niết Bàn. Tánh của sanh tử và Niết Bàn nghĩa là tánh của dơ (sanh tử) và sạch (Niết Bàn), nghĩa là tánh ấy không dơ không sạch, theo nghĩa vượt khỏi dơ và sạch. Tánh đó được gọi là Phật tánh. Tánh đó không tăng ở các bậc giác ngộ, không giảm ở chúng sanh. Tánh đó vốn không sanh không diệt.
“Này thiện nam tử! Phật tánh không sanh không diệt, không đến không đi, chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại, chẳng phải do nhân làm ra cũng chẳng phải không nhân, chẳng phải tạo tác, chẳng phải tác giả, chẳng phải tướng chẳng phải không tướng, chẳng phải có danh chẳng phải không danh, chẳng phải danh sắc, chẳng phải dài ngắn, chẳng phải nắm giữ trong ấm giới nhập. Vì thế nên Phật tánh gọi là thường.
“Này thiện nam tử! Phật tánh là Như Lai, Như Lai là Pháp, Pháp là thường.
“Này thiện nam tử! Thường là Như Lai, Như Lai là Tăng, Tăng là thường”. (Phẩm Thánh Hạnh).
Phật tánh chẳng phải quá khứ hiện tại vị lai; Phật tánh chẳng phải ở trong sự chuyển dịch của thời gian, nên bất cứ thời gian nào cũng có Phật tánh. Phật tánh không sanh không diệt, không đến không đi, nên bất cứ không gian nào cũng có Phật tánh.
Phật tánh không tùy thuộc vào không gian thời gian, mà lại thường trụ, cho nên Phật tánh ấy phải có mặt trong tất cả không gian thời gian. Nghĩa là Phật tánh ấy phải có mặt tại đây và bây giờ. Đó là ý nghĩa thường trụ của Phật tánh.
Kinh nói, “Dù Phật có ra đời hay không, Phật tánh hay pháp giới vẫn thường trụ“. (Phẩm Bồ Tát Sư tử rống).
Phật tánh có mặt ở đây và bây giờ nên chúng ta có thể thấy được Phật tánh. Kinh nói, “Bậc Thập trụ Bồ Tát thấy Phật tánh, dù chưa rõ ràng“.
Chúng ta đang ở trong Phật tánh như cá ở trong biển nhưng chúng ta chưa chứng nghiệm được điều đó. Như không khí có ở khắp nơi, chúng ta đang sống trong không khí, nhưng chúng ta chưa chứng nghiệm được không khí ở trong thân ta và ở khắp bên ngoài. Sở dĩ chúng ta chưa chứng nghiệm được vì những phiền não chướng và sở tri chướng che lấp khiến chúng ta còn chưa tin Phật tánh đang hiện diện ở đây và bây giờ. Thế nên kinh nói, “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng cần phải tu hành Thánh đạo vô lậu rồi mới thấy được”. (Phẩm Bồ Tát Sư tử rống).
Tu hành có hai:
– Dùng trí huệ phá tan phiền não chướng và sở tri chướng để thấy Phật tánh.
– Quan sát trực tiếp Phật tánh để thấy Phật tánh (“Nếu Đại Bồ Tát quan sát Phật tánh như vậy thì thấy được rõ Phật tánh“. – Phẩm Bồ Tát Sư tử rống).
Kinh thường nói Phật tánh “chẳng phải tức, chẳng phải lìa”. Chẳng phải tức là các pháp, vì Phật tánh siêu vượt các pháp. Chẳng phải lìa các pháp, vì Phật tánh vẫn nội tại nơi các pháp.
Thấy tất cả mọi sự vật, có sự sống hay không có sự sống chung quanh và mọi cái bên trong mình đều là Vô tướng, Vô tướng ấy là Một tướng, Một tướng là Phật tánh. Thấy tất cả bóng đều là gương, thấy tất cả hình tướng đều nằm trong gương Phật tánh và là gương Phật tánh. Thấy tất cả sóng đều là đại dương, đồng một tánh nước. Thấy tất cả mọi sự đồng một tánh vàng.
Đó là sự quan sát trực tiếp Phật tánh. Sự quan sát này càng ngày càng mạnh mẽ vì có cơ sở là lòng tin vào Nền tảng Phật tánh của tất cả mọi sự:
“Tín tâm là nhân của Giác ngộ vô thượng. Dẫu Giác ngộ có vô lượng nhân, nhưng nói tín tâm thì đã nhiếp hết cả.
“Này thiện nam tử! Dù Như Lai nói vô lượng các pháp, đó là Phật tánh, nhưng chẳng lìa ấm giới nhập vậy”. (Phẩm Bồ Tát Ca-diếp).
Trong Phật tánh, các pháp tu không còn là phương tiện để đạt đến Phật tánh, mà chúng chính là cứu cánh Phật tánh.
“Sắc thọ tưởng hành thức là Phật tánh… Phật tánh chẳng phải tức sáu pháp nhưng cũng chẳng lìa sáu pháp. Vì thế ta nói Phật tánh của chúng sanh chẳng phải sắc chẳng phải lìa sắc, cho đến chẳng phải ngã, chẳng phải lìa ngã…
“Đại từ đại bi đại hỷ đại xả gọi là Phật tánh. Vì sao thế? Tất cả chúng sanh tất định sẽ được đại từ đại bi đại hỷ đại xả, do đây nên nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Đại từ đại bi đại hỷ đại xả chính là Phật tánh, Phật tánh chính là Như Lai.
“Đại tín tâm gọi là Phật tánh. Vì sao thế? Vì do tín tâm mà đại Bồ Tát được đầy đủ Bố thí Ba-la-mật cho đến Bát-nhã Ba-la-mật, tất cả chúng sanh tất định sẽ được đại tín tâm, do đây nên nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Đại tín tâm chính là Phật tánh, Phật tánh chính là Như Lai.
“Mười hai nhân duyên gọi là Phật tánh. Vì sao thế? Vì do nhân duyên mà Như Lai được thường trụ. Vì tất cả chúng sanh đều tất định có mười hai nhân duyên như vậy, do đây nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Mười hai nhân duyên chinh là Phật tánh, Phật tánh chính là Như Lai“. (Phẩm Bồ Tát Sư tử rống).
Thấy Phật tánh tức là thấy tánh và tướng của sanh tử là Niết Bàn. Vị tổ thứ hai của dòng Thiền Vô Ngôn Thông là Cảm Thành (thế kỷ thứ 9) khi có vị tăng đến hỏi, “Thế nào là Phật?”, Sư đáp, “Khắp tất cả chỗ”. Lại hỏi, “Thế nào là tâm Phật?”, Sư đáp, “Chẳng từng che dấu“.
“Khắp tất cả chỗ” và “Chẳng từng che dấu” là sự bình đẳng rốt ráo của Phật tánh. Cho đến Nhất-xiển-đề cũng có Phật tánh, như kinh nói. Đây là sự bình đẳng, hay không hai, bất nhị của Niết Bàn và sanh tử, sự bình đẳng hay không hai của chúng sanh và các bậc giác ngộ.
Chúng ta đang sống trong tánh bình đẳng, tánh không hai ấy của Phật tánh. Toàn bộ kinh Đại Bát Niết Bàn là để cho chúng ta có được sự Khai Thị Ngộ Nhập Phật tánh ấy. Đây là lòng tin đưa chúng ta thể nhập “đại dương tịch diệt của chư Phật” (câu trong kinh Viên Giác). Đại dương ấy là Phật tánh.
Phật tánh như hư không. Không chúng sanh nào có thể ở ngoài hư không. Và hư không thì vô ngại, vốn tự giải thoát:
“Phật tánh hay Đại Niết Bàn thì không ép bức, như hư không. Giải thoát cũng vậy. Hư không kia thí dụ cho chân giải thoát. Chân giải thoát tức là Như Lai“. (Phẩm Bốn tướng).
Quán sát thân tâm mình đang ở trong Phật tánh như hư không và thân tâm cũng như hư không, trong và ngoài đồng như hư không, người ta bắt đầu đi vào Phật tánh vốn không chướng ngại.
Phật tánh là Đệ nhất nghĩa Không. Bồ Tát tu Phật tánh là tu tánh Không:
“Đại Bồ Tát trụ bình đẳng Không, thời chẳng thấy có cha mẹ, anh em, chị em, họ hàng quyến thuộc, người oán thù, người không thân không oán, cho đến chẳng thấy ấm, giới, nhập, chúng sanh, thọ mạng. Giống như hư không, không có tất cả những cái ấy. Đại Bồ Tát thấy tất cả pháp cũng như vậy. Tâm Bồ Tát bình đẳng như hư không, vì Bồ Tát khéo tu tập những pháp Không.
“Không ấy là Nội Không, Ngoại Không, Nội Ngoại Không, Hữu Vi Không, Vô Vi Không. Vô Thủy Không. Tánh Không, Vô Sở Hữu Không, Đệ Nhất Nghĩa Không, Không Không, Đại Không“. (Phẩm Phạm hạnh).
Chúng ta trích một đoạn về Vô Thủy Không để thấy tánh Không và Thường Lạc Ngã Tịnh của Phật tánh liên hệ thế nào.
“Bồ Tát quán Vô Thủy Không như thế nào? Đại Bồ Tát thấy sanh tử không có chỗ khởi đầu, hết thảy đều không tịch. Đó gọi là Không. Thường Lạc Ngã Tịnh thảy đều không tịch, không có biến đổi. Chúng sanh, thọ mạng, Tam Bảo, Phật tánh và pháp vô vi cũng như vậy. Đây gọi là Bồ Tát quán Vô Thủy Không“. (Phẩm Phạm hạnh).
Tánh Không và Phật tánh Thường Lạc Ngã Tịnh là một. Thế nên, kinh không chỉ nói Phật tánh là tánh Không, mà còn gọi là Thường trụ, Cảnh giới chư Phật, Như Lai tạng, Bảo tạng, Thân kim cương của Như Lai, Phật pháp Trung đạo, Hoa sen vi diệu, Bảo tạng Kim cương, Thường Lạc Ngã Tịnh…
Phẩm Bồ Tát Sư tử rống nói Phật tánh là Không mà Bất Không, hay Trung đạo. Nếu dùng chữ của Đại thừa thì Phật tánh là Chân Không Diệu Hữu. Điều cốt tử đối với chúng ta là chúng ta đang sống trong Trung đạo Chân Không Diệu Hữu đó, dù có biết hay không, có nhận thức được hay không.
Chúng ta đang sống trong Phật tánh. Và trong Phật tánh, sanh tử tức là Niết Bàn:
“Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: Bạch Thế tôn, trong đệ nhất nghĩa đế có thế đế chăng? Trong thế đế có đệ nhất nghĩa đế chăng?”
“Đức Phật trả lời, ‘Này thiện nam tử! Thế đế chính là đệ nhất nghĩa đế… Này thiện nam tử! Năm ấm hòa hợp mà xưng là tôi. Chúng sanh phàm phu tùy theo đó mà tự xưng, đây gọi là thế đế. Hiểu biết năm ấm không có tên gọi người này người kia, lìa năm ấm cũng không có tên gọi người này người kia. Người xuất thế đúng như tánh tướng mà hiểu biết thì gọi là đệ nhất nghĩa đế“. (Phẩm Thánh hạnh).
Chúng ta đang sống trong “Thường Tịch Diệt Quang, tức là Đại Niết Bàn của chư Phật” (Phẩm Ứng tận hoàn nguyên). Thường Tịch Diệt Quang này trùm khắp ba cõi và là Nền tảng vô sở trụ của ba cõi.
Chúng ta đang sống trong Phật, vì Phật là “thường trụ”, “thân Kim cương của Như Lai là vô tận” (Phẩm Văn tự), Phật là “Vô biên thân” (Phẩm Bồ Tát) cho nên dù có biết hay không, dù có muốn hay không, chúng ta luôn luôn ở trong Phật.
Chúng ta đang sống trong Phật. Tất cả sắc đều là sắc Phật, tất cả âm thanh đều là âm thanh Phật, tất cả hương vị xúc pháp đều là hương vị xúc pháp Phật. Tất cả căn trần thức đều là căn trần thức Phật. Chúng ta đang ở trong Mạn-đà-la vũ trụ Kim cương giới của chư Phật:
“Lại nữa, thiện nam tử! Phàm chỗ nào có kinh điển vi diệu Đại Niết Bàn này truyền bá, phải biết đất ấy là kim cương, những người ở đó cũng như kim cương. Nếu ai có thể nghe được kinh này liền không thối chuyển với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều được thành tựu những điều mong nguyện” (Phẩm Bốn y).
Nguyễn Thế Đăng – Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 173