Sau mùa an cư kiết hạ, Tôn giả Xá Lợi Phất cùng một nhóm các vị Tỳ kheo xin Đức Phật đi hóa độ ở một nơi khác. Ngài đắp y ngay ngắn và mang bình bát đến chào từ biệt mọi người. Ngài cẩn thận gặp từng vị, khiêm cung chắp tay cúi chào rồi mới trở gót bước đi. Thế nhưng, chư Tăng ra tiễn quá đông khiến Ngài vô tình chào thiếu một vị. Vị Tỳ kheo ấy đùng đùng nổi giận, lấy đó làm cái cớ để thưa lên với Đức Phật rằng:
– Bạch Thế Tôn, Ngài Xá Lợi Phật ỷ mình là lãnh đạo Tăng đoàn, không coi người khác ra gì cả.
Đức Phật nghe xong, từ tốn bảo:
– Ông có hiểu lầm gì không? Xá Lợi Phất không phải là một con người như thế.
Tuy nhiên, vị Tỳ kheo này vẫn một mực kết tội Ngài nặng nề, ông còn chạy đi kể với các Tỳ kheo khác. Câu chuyện trong phút chốc đã lan ra cả Tăng chúng. Những vị đã đắc đạo chỉ mỉm cười rồi nhẹ nhàng khuyên bảo nhưng một số vị Tỳ kheo mới xuất gia thì bắt đầu thấy hoang mang. Lúc đó Ngài Đại Ca Diếp (Maha Kassapa), Ngài Đại Ca Chiên Diên (Maha Kaccayana), Ngài A Nan (Ananda) đã nhanh chóng mời Tôn giả Xá Lợi Phất quay trở về, hy vọng rằng sự có mặt của Ngài mọi sự hiểu lầm sẽ bị đập tan. Khi Ngài về, Đức Phật hỏi:
– Này, Xá Lợi Phất. Có một vị Tỳ kheo đây không bằng lòng với Thầy bởi vì Thầy coi thường mọi người, không trọn vẹn với trách nhiệm mình được giao. Thầy hãy nói ra quan điểm của mình để cho đại chúng được biết.
Ngài Xá Lợi Phất trả lời thế này:
– Bạch Thế Tôn, xin cho con được nói lên ý niệm về quán thân mà con tu tập giữ gìn, cũng là món quà tinh thần mà con kính tặng các huynh đệ của con.
– Bạch Thế Tôn! Lúc nào con cũng xem mình là đất. Đất bình an hoan hỷ khi được người giẫm đạp đi lên. Cũng vậy, con xin được bình an hoan hỷ khi có người xem thường, giẫm đạp. Đất sẽ rộng lòng đón nhận những rác rưởi bẩn thỉu mà người vứt bỏ, con cũng xin được rộng lòng đón nhận những ý nghĩ xấu cho con hay những lời nhục mạ nặng nề.
– Bạch Thế Tôn! Cũng như đất chịu đựng sự cày xới để mọc lên những vườn cây trái ngọt hay ruộng lúa thơm ngon, con cũng xin chịu đựng sự tổn thương để vững bước mang cho đời những niềm vui hạnh phúc. Cũng như đất nâng niu đỡ đần cuộc sống mọi loài trên đất, con cũng xin tôn trọng đỡ đần bất cứ ai tìm đến con trong cuộc sống này.
– Bạch Thế Tôn! Con xem mình như thanh niên Chiên đà la làm những việc hèn mọn nhất trong đời là đổ rác hay gánh phân, vui vẻ chịu người sai bảo. Con cũng xin vui vẻ làm những việc hèn mọn nhất, để được làm vui lòng mọi người.
– Bạch Thế Tôn! Con xem mình như cái giẻ lau, xóa đi dơ bẩn của đời và nhận lấy sự dơ bẩn đó về mình. Con cũng xin nhận lấy mọi điều xấu xa, bẩn thỉu để cho đời được thơm sạch mát lành.
– Bạch Thế Tôn! Con xem mình như nước, để rửa sạch cho đời rồi phần mình chảy ra cống rãnh. Con xin được phụng sự cho đời và còn lại mình trôi vào quên lãng mà thôi.
– Bạch Thế Tôn! Con xem mình như củi lửa thắp lên ánh sáng và đun nấu thức ăn giúp ích cho đời rồi phần mình xin trở về tro bụi bay xa.
– Bạch Thế Tôn! Con xem mình như gió thổi mát lòng người trong những buổi trưa hè, đem đến cho đời những cơn mưa phơi phới rồi phần mình tan vào cõi vắng hư vô.
– Bạch Thế Tôn! Con xem thân này là vô thường ngày nào thành đất bụi bên đường, từng ngày sống là sự đòi hỏi của ăn uống, thở và đủ mọi thứ cung phụng vất vả.
– Bạch Thế Tôn! Với suy nghĩ như vậy lòng con không hề xem thường hay có ác ý với bất cứ ai, với bất cứ một chúng sinh nào. Lòng con chỉ có tình thương tràn ngập đến muôn loài, mong cho mọi loại thương yêu nhau và tu theo Thánh đạo giải thoát.
Hôm đó, Tôn giả Xá Lợi Phất đã cất lên tiếng rống của con sư tử để khẳng định chân lý, lời của Ngài vang xa đến cả các tầng trời rộng lớn. Khi bài Pháp vừa kết thúc, quả đất rúng động như một cơn địa chấn. Tất cả những người có mặt đã khóc, vị Tỳ kheo vu khống Ngài cũng không cầm được nước mắt, vội quỳ xuống xin Ngài tha thứ. Lúc ấy, Đức Phật mới bảo rằng:
– Này Xá Lợi Phất, Thầy hãy chấp nhận lời hối lỗi của vị Tỳ kheo này, vì nếu Thầy không chấp nhận, ông ấy sẽ phải nhận quả báo thê thảm.
Tôn giả từ tốn chắp tay, bạch rằng:
– Bạch Thế Tôn, con sẵn lòng tha lỗi cho Tôn giả đây và cũng xin Tôn giả tha thứ cho con, vì con đã làm phiền lòng ông.
Cả đại chúng chứng kiến sự việc đều chứa chan xúc động. Nhân đó, Đức Phật đọc lên bài kệ để ca ngợi Thánh hạnh cao quý tột cùng của Ngài:
Như đất không hiềm hận
Như trụ đá kiên trì
Như hồ trong thanh tịnh
Như bậc Thánh bay cao.
ST